Hoàn Diệt

● 還滅 e: returning to extinction. Có nghĩa từ mê trở về với lẽ chân, diệt hết phiền não, tiến nhập Niết Bàn. Chúng sinh cứ trôi lăn mãi trong luân hồi sinh tử, gọi là “lưu chuyển”; khi biết tu tập để quay về với tự tánh niết bàn tịch tịnh, gọi là “hoàn diệt”. Vậy lưu chuyển và hoàn diệt là hai thuật ngữ Phật học dùng để chỉ cho hai con đường đi trái ngược của chúng sinh: xuôi theo dòng sinh tử là con đường lưu chuyển, và đi ngược dòng sinh tử để đến niết bàn là con đường hoàn diệt. Toàn bộ Phật pháp chỉ thuyết giảng về hai vấn đề to lớn, là MÊ và NGỘ. Mê là lưu chuyển sinh tử; ngộ là hoàn diệt niết bàn. Vậy, trên bước đường tu tập, người học Phật cần liễu ngộ cả hai chiều xuôi ngược này thì thành quả giác ngộ mới viên mãn.

Ví dụ, khi tu tập theo giáo lí Bốn Sự Thật, hành giả phải quán chiếu để nhận chân về sự thật khổ đau (khổ đế) của thế gian, và về nguyên nhân (tập đế) gây ra những đau khổ ấy. Đó là hai sự thật của thế gian, là bộ mặt thật của sinh tử luân hồi, và cũng chính là con đường “lưu chuyển”. Giáo pháp nói về hai sự thật khổ và tập, cũng như phương pháp quán chiếu để nhận chân hai sự thật ấy, thuật ngữ Phật học gọi là “lưu chuyển môn” (tức thuộc về chiều lưu chuyển). Cũng như vậy, hai sự thật về cảnh giới niết bàn tịch tĩnh (diệt đế) và các pháp môn tu tập (đạo đế) để đạt đến niết bàn, thuật ngữ Phật học gọi là “hoàn diệt môn” (tức thuộc về chiều hoàn diệt). Một ví dụ khác, khi tu quán về giáo pháp Mười Hai Nhân Duyên, nếu quán chiếu theo chiều thuận (xuôi theo dòng sinh tử, tức: do vô minh sinh hành, do hành sinh thức, v.v… cho đến do sinh sinh lão tử), đó là chiều lưu chuyển, và thuật ngữ Phật học gọi là “lưu chuyển môn”; khi quán chiếu theo chiều nghịch (ngược dòng sinh tử, hướng về niết bàn, tức: nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, v.v… cho đến sinh diệt thì lão tử diệt), đó là chiều hoàn diệt, và thuật ngữ Phật học gọi là “hoàn diệt môn”

This entry was posted in . Bookmark the permalink.