● Tương truyền hóa thân của Ðịa Tạng Bồ Tát là ngài Kim Kiều Giác. Kim Kiều Giác (630-729) là thái tử nước Tân La (vùng đông bắc Triều Tiên, nay là Đại Hàn). Năm 24 tuổi, ngài từ bỏ ngôi vị và xuất gia, pháp danh là Địa Tạng. Ở Trung Quốc lúc bấy giờ nhằm đời Ðường, Phật Giáo rất phát triển và có nhiều vị sư từ nhiều nước đến đó du học. Ngài Kim Kiều Giác vượt biển đến Trung Quốc, trụ tại núi Cửu Hoa, huyện Thanh Dương, phủ Trì Châu, tỉnh An Huy. Ngài dựng một túp lều tranh trên núi tu hành và nguyện chép bốn bộ kinh Ðại Thừa. Sau đó dân làng Thanh Dương lên núi và thấy ngài tu hành rất nghiêm cẩn nên phát tâm xây một ngôi chùa cho ngài hoằng pháp. Núi Cửu Hoa lúc bấy giờ thuộc quyền của ông Mẫn Nhượng Hòa, một phật tử thuần thành, ông Hòa mời ngài dùng cơm và cúng dường một miếng đất cho ngài cất chùa. Ông Hòa hỏi ngài cần miếng đất bao lớn? Ngài nói: “Tôi tung chiếc áo cà sa này lên, tôi muốn khoảnh đất lớn bằng cái bóng của chiếc áo cà sa này. Ông chịu không?”. Ông Hòa đồng ý. Lúc ngài mở áo cà sa ra phóng lên hư không, bóng của chiếc áo cà sa bèn lớn bao trùm cả vùng núi Cửu Hoa, ông Mẫn vô cùng kinh ngạc và bội phục nên ông vui lòng cúng dường cả vùng núi Cửu Hoa cho ngài. Ông còn xây một ngôi chùa và cho con ông xuất gia theo ngài, pháp danh là Ðạo Minh. Sau này ông cũng xuất gia theo. Từ đó núi Cửu Hoa trở thành một trung tâm nghiên cứu Phật Giáo nổi tiếng. Ngày 30 tháng 7 năm 729, ngài ban lời giáo huấn cuối cùng và cáo biệt đồ chúng, ngồi kiết già an nhiên thị tịch, thọ 99 tuổi. Ba năm sau, nhục thân của ngài chẳng hư hoại, tay chân mềm mại như lúc còn sống. Dựa trên hành trạng lúc ngài còn sống, mọi người đều nhận định ngài chính là Ðịa Tạng Bồ Tát thị hiện.
Kim Kiều Giác
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội