● Là tên cũ của Nam Kinh. Nam Kinh còn có tên khác là Giang Ninh. Đây là kinh đô của nhiều triều đại trong lịch sử, thường được biết đến dưới tên gọi Lục Triều Cổ Đô. Theo truyền thuyết, vua Phù Sai nước Ngô đã xây Dã Thành tại đây. Sau khi Câu Tiễn diệt Ngô, phá hủy Dã Thành, và Phạm Lãi đã cho xây thành mới mang tên Việt Thành ở đây. Năm 333 trước Công Nguyên, Sở Oai Vương (Hùng Duệ) diệt nước Việt, tin theo lời thuật sĩ, chôn vàng để trấn áp vương khí nước Việt và lập ấp Kim Lăng ở núi Thạch Đầu (nay là núi Thanh Lương). Tên Kim Lăng bắt đầu có từ đấy. Tần Thủy Hoàng đổi tên ấp này thành huyện Mạt Lăng, trực thuộc quận Cối Kê. Đến năm 211, Tôn Quyền nhà Đông Ngô xây Thạch Đầu Thành tại ấp Kim Lăng. Năm 229, Tôn Quyền dựng kinh đô nơi này, đổi tên là Kiến Nghiệp. Đến khi nhà Đông Ngô bị Tấn diệt, nhằm năm Kiến Hưng nguyên niên (313), vì kỵ húy Tư Mã Nghiệp nên đổi thành Kiến Khang. Thời Ngũ Hồ Loạn Hoa, nhà Tây Tấn diệt vong, vào năm 317, Tư Mã Duệ lập nhà Đông Tấn, lại chọn Kiến Khang làm kinh đô. Các nhà Hậu Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557), Tùy (557-589) đều chọn Kiến Khang làm kinh đô. Năm 589, nhà Tùy diệt vong, Trần Hậu Chủ phá hủy thành quách nơi này. Đời Đường, vùng này bị đổi thành Giang Ninh Quận, rồi thành Thăng Châu. Cuối cùng, lại đổi thành Kim Lăng Phủ. Nhà Nam Đường (937-975) lại lập ra một phủ trực thuộc Kim Lăng, đặt tên là Giang Ninh phủ. Sau khi bị nhà Kim chiếm cứ Hoa Bắc, nhà Nam Tống cũng đặt kinh đô tại nơi đây. Khi Châu Nguyên Chương đánh thắng quân Mông, lập ra nhà Minh, liền chọn nơi này làm kinh đô, gọi là Ứng Thiên Phủ. Năm Vĩnh Lạc 19, Minh Thành Tổ dời đô lên Bắc Kinh; do vậy, đổi Kim Lăng thành Nam Kinh. Khi Lý Tự Thành diệt nhà Minh, Phước Vương Châu Do Tung chạy về Nam, lại chọn Nam Kinh làm đế đô nhằm mưu đồ khôi phục nhà Minh. Trong loạn Thái Bình Thiên Quốc, Hồng Tú Toàn cũng chọn Nam Kinh làm kinh đô, nhưng đổi tên thành Thiên Kinh. Trong giai đoạn đầu của Trung Hoa Dân Quốc, Tôn Trung Sơn và các đồng chí cũng lấy Nam Kinh làm kinh đô cho nền Cộng Hòa mới được thành lập.
Kim Lăng
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội