● Gọi đầy đủ là Thượng Thư, là một trong năm kinh của Nho Gia. Theo Hán Thư, thiên Văn Nghệ Chí, sách này do Khổng Tử chỉnh lý, biên tập, gồm một trăm thiên. Đến thời Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò, quan Bác Sĩ Phục Sanh (có thuyết nói là Phục Thắng) lén đem giấu trong vách, khi Lưu Bang lật đổ nhà Tần, lập ra nhà Hán, Phục Sanh tìm lại thấy sách đã bị hư mất mấy chục thiên, chỉ còn sót lại 29 thiên. Sau đấy, triều đình nhà Hán sai Tiều Thố đến nghe Phục Sanh giảng sách, ghi chép lại thành bộ Thượng Thư hiện thời (mệnh danh là Kim Văn Thượng Thư để phân biệt với Cổ Thượng Thư do những người khác sưu tập được, chẳng hạn như bản của Khổng An Quốc – cháu đời thứ 11 của Khổng Tử). Nội dung của sách Thượng Thư được chia thành bốn phần chánh, mỗi phần gọi là Thư (sách), tức Ngu Thư, Hạ Thư, Thương Thư và Châu Thư, chép các điển chế từ thời Nghiêu Thuấn đến đời Tần Mục Công thời Xuân Thu. Thuấn Điển, Thái Giáp, Hàm Hữu Nhất Đức, Thuyết Mạng đều là những thiên sách trong Thượng Thư. Đôi khi, người ta cũng gọi mỗi thiên của Thượng Thư là sách (điển hay thư). Ông Đường Văn Trị cho những thiên vừa được nói trên đây đều là ngụy tạo vì thiên Hàm Hữu Nhất Đức trích dẫn những câu trong những thiên trước. Tổ Ấn Quang chỉ ra chỗ mâu thuẫn, khiên cưỡng trong lập luận này: Kẻ ngụy tạo có thể dẫn cả những phần nằm trước Hàm Hữu Nhất Đức hay sau thiên đó, đâu có gì buộc họ chỉ được quyền trích dẫn những phần nằm trước mà thôi! Hơn nữa, khi viết sách, có ai cấm tác giả không được trích dẫn những sách khác hoặc những điều đã được nói trong những chương trước!
Kinh Thư
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội