● 羅剎 (S: rākṣasa) là một loài ác quỷ trong thần thoại Ấn-độ, đôi khi còn phiên âm là La Sát Sa, La Xoa Sa, La Khất Sát Sa, A Lạc Sát Sa… dịch nghĩa là Khả Úy (đáng sợ), Tốc Tật Quỷ (quỷ nhanh lẹ), Hộ Giả (người bảo vệ).
Tương truyền La Sát chính là danh xưng của cổ dân Ấn Độ, xuất hiện rất sớm trong kinh Lê Câu Phệ Đà, khi tộc người Aryan chinh phục Ấn Độ. Sau khi giống dân Aryan từ miền Trung-Á tràn xuống chiếm lãnh thổ Ấn-độ (khoảng 1.500 năm trước tây lịch kỉ nguyên) thì “la sát” biến thành một đại danh từ chỉ chung cho những người ác, rồi dần dần lại chuyển biến thành tên của loài ác quỉ. Quỉ la sát cũng là thân người, nam thân đen đúa, tóc đỏ lừ, mắt xanh lam, nhưng La Sát Nữ dung mạo tuyệt đẹp, có khả năng mê hoặc con người rất lớn.
Loài quỷ này thích ăn thịt uống máu con người. Loài quỷ này có thần thông bay đi rất nhanh hoặc chạy rất nhanh trên mặt đất. Trong địa ngục cũng có những loài quỷ La Sát làm lính canh ngục, chuyên hành hạ tội nhân, thường được gọi bằng danh từ chung là A Bàng La Sát. Chúng thường có hình đầu trâu, đầu dê, đầu nai, đầu thỏ, thân người, hoặc chân có móng như trâu. Đó là loài la sát có tánh hung ác của ma quỉ; nhưng trong kinh điển Phật giáo, la sát cũng biến chuyển thành những vị thiện thần thủ hộ Phật pháp.
Pháp sư Viên Anh nói (trong sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa), dược xoa là quỉ nam, còn la sát là quỉ nữ; cả hai đều là quỉ ăn thịt người.
Trong Mật Giáo, có loài quỷ hộ pháp thường được gọi là La Sát Thiên. Loài quỷ thần này thân hình đoan chánh, mặc giáp trụ, tay cầm binh khí, cỡi sư tử trắng. La Sát Thiên thường được vẽ ở góc Tây Nam trong đồ hình Thai Tạng Mạn Đà La.
Sách huyền thoại Ấn Độ mô tả La Sát như thổ dân ngày xưa của đảo Tích Lan, có tập tục ăn thịt người, là nỗi lo sợ kinh hoàng của những người đi biển bị đắm tàu. Lại có sách cho rằng La Sát chính là một loại thổ dân man dã ở Ấn Độ. Chúng được mô tả có dáng bộ và mặt mày dễ sợ, da đen, tóc đỏ, mắt xanh. Có thể xem như là một loại chúng sinh, không phải loài người, sách phật thường gọi chúng là phi nhân.