● (Ngũ Đình Tâm Quán): năm phép quán niệm có công năng chận đứng loạn tưởng, dập tắt phiền não, làm cho tâm ý định tĩnh, sáng suốt:
1) Quán niệm thân thể và vạn vật đều là ô nhiễm, không trong sạch (bất tịnh quán); chận đứng được tâm tham dục.
2) Quán niệm về nỗi thống khổ của mọi loài mà phát khởi tình thương rộng lớn (từ bi quán); dứt bỏ được tâm sân hận, oán thù.
3) Quán niệm về đạo lí duyên khởi trong quá trình sinh diệt của vạn hữu (nhân duyên quán); thấy rõ chân tướng của thực tại, phá trừ tâm ngu si, tà kiến, cố chấp.
4) Quán niệm về bảy nguyên tố tạo thành bản thân (thất đại: địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức), hoặc về mười tám khu vực của thân (sáu căn), cảnh (sáu trần) và nhận thức (sáu thức) -gọi là “giới phân biệt quán”- để thấy được sự giả hợp của thân tâm mà ta thường cho đó là cái “ta”; diệt trừ tâm chấp ngã (ngã kiến).
5) Quán niệm hơi thở bằng cách đếm hơi thở vô, hơi thở ra (sổ tức quán); cột tâm lại, không để cho giây phút nào bị tán loạn, bị xao lãng. Có chỗ cho rằng, vì phép quán niệm thứ tư (giới phân biệt quán) có cùng tính chất với phép quán niệm thứ ba (nhân duyên quán), nên gom lại thành một, chỉ có nhân duyên quán; và phép quán niệm thứ tư được thay bằng “Phật quán”, tức quán niệm về thân tướng trang nghiêm, thanh tịnh và các đức tính cao thượng của đức Phật, từ đó mà bao nhiêu phiền não, nghiệp chướng đều bị tiêu trừ.
Hàng Thanh-văn khi mới vào đạo phải làm cho các tạp niệm trong tâm dừng lại. Có năm phép quán niệm dùng đối trị với các tạp niệm đó, gọi là “năm phép quán dừng tâm”:
1) Các chúng sinh nhiều tham dục, hãy quán niệm về cái tướng bất tịnh của cảnh giới để chuyển hóa các dục niệm, gọi là “bất tịnh quán”.
2) Các chúng sinh nhiều sân hận, hãy quán niệm về nỗi khổ đau đáng thương xót của tất cả loài hữu tình để chuyển hóa tâm sân hận, gọi là “từ bi quán”.
3) Các chúng sinh nhiều si mê, hãy quán niệm về tướng sinh diệt của nhân quả nối tiếp nhau cả ba đời để chuyển hóa tâm ngu si, gọi là “nhân duyên quán”.
4) Các chúng sinh nhiều ngã kiến, hãy phân tích các pháp làm sáu yếu tố hoặc mười tám khu vực, thấy rõ ở trong các pháp vốn không có ngã để chuyển hóa tâm chấp ngã, gọi là “giới phân biệt quán”.
5) Các chúng sinh nhiều tán loạn, trong lúc thở ra hãy đếm từ một đến mười, lúc thở vào cũng vậy, để chuyển hóa tâm tán loạn, gọi là “sổ tức quán”.
6) Các chúng sinh nhiều nghiệp chướng, hãy quán niệm về thân tướng tốt đẹp của chư Phật, hoặc quán niệm danh hiệu Phật, nhờ oai thần của Phật để chuyển hóa nghiệp chướng, gọi là “niệm Phật quán”. Thật ra ở đây có sáu phép quán, nhưng các bậc cổ đức chủ trương chỉ dùng năm phép quán đầu mà bỏ đi phép quán niệm Phật; hoặc cho rằng hai phép quán thứ ba và thứ tư (nhân duyên quán và giới phân biệt quán) là giống nhau, cho nên bỏ phép quán giới phân biệt đi, vẫn thành ra năm phép quán.