● Có rất nhiều loại niệm Phật tam muội, muốn biết rõ ràng, có thể đọc Phẩm Niệm Phật Tam Muội trong quyển 43 của Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập, thuộc Bộ Đại Tập, nằm trong quyển 13 của Tạng Đại Chánh; hoặc Kinh Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội (phần Đại Phương Đẳng Đại Tập Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội).
● Có hai pháp:
1.Chuyên môn tâm quán tưởng tướng hảo của Phật, hay là quán tưởng thật tướng của pháp thân Phật (hai cách tu ấy gọi là quán tưởng niệm Phật), hoặc nhứt tâm xưng danh hiệu Phật (là niệm Phật bằng cách xưng danh) và làm các công hạnh, đều gọi là Niệm Phật Tam Muội; đó là niệm Phật tam muội của lực nhơn hành.
2.Là ba cách nhơn hành đó mà được thành tựu như: Tâm đã vào thiền định (nhứt tâm bất loạn), hoặc thấy được Phật thân hiện tiền, hoặc thấy được Thật Tướng của pháp thân, gọi là niệm Phật tam muội, đấy là niệm Phật tam muội của lúc quả thành. Niệm Phật tam muội của “Nhơn hành” gọi là tu niệm Phật tam muội của “quả thành” gọi là Phật đắc.
Người ta thường nói, niệm Phật tam muội phần nhiều là chỉ cho tam muội niệm hóa thân Phật, niệm báo thân Phật và niệm pháp thân Phật. Niệm Phật vô tướng chính là niệm Phật tam muội, thuộc loại niệm pháp thân Phật, là một trong các loại tam muội. Do công phu niệm Phật vô tướng mà nhập vào tam ma địa, cũng là niệm Phật tam muội.
Theo Đại Sư Huệ Viễn trong Liên Tông Thập Tam Tổ, niệm Phật Tam Muội là nhớ chuyên và tưởng lặng.
1) Nhớ Chuyên: Tâm trí lúc nào cũng chuyên nghĩ nhớ đến Đức Phật A Di Đà, chớ không bị chia chẻ nhiều lối, do đó mà được vào trong cảnh “chí một, tâm đồng.”
a) Chí một: Đây là tâm chỉ có duy nhất một chí quyết, ấy là “cầu vãng sanh Cực Lạc.”
b) Tâm Đồng: Tâm giống y hệt như tâm của chư Phật, tức là tâm hoàn toàn lặng lẽ, thanh tịnh.
2) Tưởng Lặng: Tất cả các tư tưởng phù phiếm của chúng sanh đều bị lặng chìm hết cả. Làm được như vậy là được vào trong cảnh “khí thanh, thần sáng.” Hai điều nầy tự nhiên thầm hợp, nương về mà phát sanh ra diệu dụng.
a) Khí Thanh: Khi khí thanh thì trí huệ phát sanh. Trí nầy có khả năng soi ngộ đến tất cả các đạo lý nhiệm mầu.
b) Thần Sáng: Thần sáng có nghĩa là tinh thần chiếu suốt các nơi tăm tối, không chỗ tối tăm nào mà chẳng được soi tới