● (法 爾). Còn gọi là pháp nhiên, tự nhiên, thiên nhiên, tự nhĩ, Pháp Nhĩ tự nhiên, tự nhiên pháp nhiên. Các pháp là thế đó, tức nói các pháp thường đồng thường biệt (thường duy nhất mà thường sai biệt), là “Như lai xuất thế hay không xuất thế, pháp tánh các pháp vẫn an lập, pháp giới các pháp vẫn an trú”. Như nói, tâm thể thì duy nhất nhưng tâm dụng có sai biệt.
Vốn là từ dùng để chỉ các pháp trong trạng thái tự nhiên không qua tạo tác nào, nói cách khác, “Pháp Nhĩ” là tướng trạng tự nhiên vốn sẵn có của bất cứ sự vật nào. Theo Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký, quyển 3 giải thích:
1) Xét trong hình thức tồn tại của các pháp thì hết thảy không gì chẳng do nhân duyên hòa hợp thành, như nước luôn chảy xuống, lửa luôn bốc lên đều là những sự hoàn toàn tự nhiên như thế.
2) Nếu nói trên phương diện Chân Như, vạn Pháp Tự nhiên tùy duyên, tự nhiên quy về tánh, đều vốn sẵn bình đẳng.
Sách Du Già Sư Địa Luận cho rằng “Pháp Nhĩ đạo lý” chính là đạo lý tự nhiên sẵn có của bất cứ sự vật nào như tánh của lửa là nóng, tánh của nước là thấm ướt. Tịnh Độ Chân Tông của Nhật còn đưa ra khái niệm “Pháp Nhĩ vãng sanh”, tức là nương vào nguyện lực của Phật A Di Đà tự nhiên vãng sanh về Báo Độ.