● Tức là pháp tu của Tam Thừa: Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Pháp thế gian là tất cả các pháp có tình thức và không có tình thức trong ba cõi. Các pháp này đều do hoặc nghiệp, nhân duyên sinh ra, biến chuyển vô thường. Tất cả các pháp thế gian đều làm cho chúng sinh lưu chuyển mãi trong vòng sinh tử luân hồi, cho nên chúng là “pháp hữu lậu”. Trong Bốn Sự Thật thì khổ và nguyên nhân của khổ (tập) thuộc về pháp thế gian. Trong tất cả các pháp thế gian, có tám thứ được đặc biệt gọi là “tám pháp thế gian” (bát thế gian pháp, hay bát pháp):
1) Những gì có lợi ích cho mình (lợi);
2) Những gì gây tổn hại cho mình (suy);
3) Những lời chê bai, hủy báng mình (hủy);
4) Danh tiếng của mình trong xã hội (dự);
5) Những lời tán dương, ca tụng trước mặt mình (xưng);
6) Những lời khiển trách, chỉ trích, nhục mạ mình (cơ);
7) Những duyên xấu, những nghịch cảnh làm cho mình khổ đau (khổ);
8) Những duyên tốt, những thuận cảnh làm cho mình vui thích (lạc). Tám pháp này luôn luôn làm lay động lòng người, khiến khởi lên mừng, giận, thương, ghét v.v…; cho nên thuật ngữ Phật học gọi chúng là “tám ngọn gió” (bát phong).
Đối lại với “pháp thế gian” là “pháp xuất thế gian”. Đó là các pháp siêu việt khỏi thế gian, không còn bị ràng buộc bởi các pháp hữu lậu; là các pháp vô lậu, giải thoát niết bàn. Phật pháp có công năng diệt trừ hoặc nghiệp, đưa chúng sinh thoát khỏi ba cõi sinh tử; cho nên Phật pháp chính là pháp xuất thế gian. Do đó, trong Bốn Sự Thật, thì tịch diệt (diệt) và pháp môn tu tập (đạo) thuộc về pháp xuất thế gian.