● (882-954), tự là Khả Đạo, sanh vào năm Trung Hòa thứ hai đời Đường Hy Tông, mất năm Hiển Đức nguyên niên đời Hậu Châu, hiệu Trường Lạc Lão, người huyện Cảnh Thành, Doanh Châu (nay là huyện Giao Hà, tỉnh Hà Bắc), làm Tể Tướng trải suốt năm triều đại, tám dòng họ, phục vụ mười ba vị vua, thường bị các sử gia coi là một gã hoạt đầu chính trị bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa, là hạng “thò lò muôn mặt”. Trong bộ Tư Trị Thông Giám, Tư Mã Quang đã miệt thị Phùng Đạo là “gian thần bậc nhất”; còn Âu Dương Tu thì phê phán nặng hơn: “Chẳng biết liêm sỉ là vật gì!” Thoạt đầu, ông ta vốn là thủ hạ của Lý Tồn Úc. Khi Lý Tồn Úc diệt Hậu Lương, lập ra nhà Hậu Đường (năm 923), liền cho Phùng Đạo giữ chức Hộ Bộ Thị Lang, rồi thăng lên làm Tể Tướng dưới đời vua Hậu Đường Minh Tông (Lý Tự Nguyên). Tuy là Tể Tướng, nhưng tới khi Lý Tùng Kha (con nuôi của Mẫn Đế) dấy loạn đoạt ngôi vua của Đường Mẫn Đế (Lý Tùng Hậu), trở thành Đường Mạt Đế (Xuất Đế), Mẫn Đế phải chạy sang nương tựa Thạch Kính Đường, ông ta không thèm theo vua hộ giá, mà lại thống lãnh bá quan tiếp rước tân hoàng đế. Tới khi Thạch Kính Đường diệt nhà Hậu Đường, lập ra nhà Hậu Tấn (năm 936), với tài luồn lọt, Phùng Đạo lại trở thành Tể Tướng của nhà Hậu Tấn. Tới năm 946, quân Khiết Đan dưới sự thống lãnh của Gia Luật Đức Quang của nhà Liêu kéo quân xuống phía Nam, sát nhập lãnh thổ Hậu Tấn vào Đại Liêu, Đức Quang vẫn cho Phùng Đạo giữ chức Thái Phó. Không lâu sau, bộ hạ cũ của Thạch Kính Đường là Lưu Trí Viễn chiếm lại lãnh thổ nhà Hậu Tấn, đuổi quân Liêu về Bắc, lập ra nhà Hậu Hán (năm 947). Nhờ khéo luồn lọt, Phùng Đạo lại được Lưu Trí Viễn phong làm Thái Sư. Bốn năm sau, bộ hạ của Lưu Trí Viễn là Quách Oai soán ngôi, lập ra nhà Hậu Châu, Phùng Đạo vẫn được Quách Oai cho giữ chức Thái Sư Trung Thư Lệnh cho đến khi mất. Trong suốt thời gian làm Tể Tướng, Phùng Đạo chỉ đóng góp được mỗi một việc có ý nghĩa cho cõi đời là ra lệnh khắc ván quy mô chín bản kinh điển trọng yếu của Nho Gia dưới sự bảo trợ của triều đình. Theo Ngũ Đại Hội Yếu, trước đó đã có những kỹ thuật khắc ván để ấn loát lẻ tẻ trong dân gian, chứ đa phần vẫn sử dụng lối chép tay. Những kinh điển quan trọng của Nho gia được các vương triều cho khắc lên đá, gọi là Thạch Kinh, nổi tiếng nhất là Khai Thành Thạch Kinh. Tháng Hai năm Trường Hưng thứ ba (933) đời Hậu Đường, Tể Tướng Phùng Đạo dâng sớ kiến nghị triều đình đứng ra triệu tập những Nho sĩ học rộng sao chép lại những bản thạch kinh thật cẩn thận bằng lối chữ Khải cho thật dễ đọc, rõ ràng, giảo chánh kỹ càng, trước khi tuyển thợ khéo khắc những bản kinh ấy lên gỗ, để in ra với số lượng lớn ban cho các châu huyện. Do ảnh hưởng của việc này, việc ấn loát bằng phương pháp Mộc Bản được tổ chức quy mô và nề nếp, đồng thời xuất hiện những nhà in chuyên nghiệp, khiến cho sách vở được in với giá rẻ hơn, số lượng nhiều hơn, đồng thời những kinh điển được tiêu chuẩn hóa.
Phùng Đạo
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội