● Chính là tên gọi tắt của tôn giả Tất Lăng Già Bà Ta (Pilinda-vatsa), dịch nghĩa là Dư Tập. Do Ngài đã năm trăm đời làm Bà La Môn nên còn tập khí kiêu mạn rất lớn. Ngài thấy có người đi khất thực phải vượt sông Hằng khổ sở, bèn quát nữ thần sông Hằng : “Tiểu tỳ ! Ngưng chảy đi!”. Nước sông liền tách làm hai cho người ấy đi qua. Nữ thần tức tối đến mách với Phật. Phật bảo ngài Tất Lăng Già Ba Ta hãy sám hối với nữ thần, ngài nói: “Tiểu tỳ! Ta sám hối tạ lỗi với ngươi”. Mọi người hiện diện đều cười: “Đã sám hối tạ lỗi mà còn chửi người ta!” Nhân đó, Phật mới cho biết do ngài Tất Lăng năm trăm đời làm Bà La Môn nên tập khí kiêu mạn rất nhiều, thường gọi phụ nữ là “tiểu tỳ” (con hầu nhỏ nhoi) là do thói quen, chứ tâm Ngài không có ý nhục mạ. Trong phần 25 pháp Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm, Ngài đã thuật phép quán thân (Thân Căn Viên Thông). Do vừa đi khất thực vừa tư duy những lời giảng của đức Phật về sự thống khổ trong thế gian, bất ngờ đạp phải gai độc, bị thương, đau đớn. Ngài quán sát tánh nhận biết sự đau đớn ấy chính làm giác tâm thanh tịnh, cái biết bị đau chẳng phải là cái bị đau. Như vậy lẽ nào một thân lại có hai tánh biết? Do quán như vậy, thân tâm không tịch, tiêu hết lậu tập, thành A La Hán.
Tất Lăng
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội