● Tây-vực là khu vực gồm nhiều nước ở miền lục địa phía Tây Trung-quốc thời xưa. Là danh xưng để gọi chung toàn bộ những vùng đất nằm ở Thiên Sơn nam lộ (tức là tuyến đường Tơ Lụa đi từ Ngọc Môn Quan về phương Tây). Thực ra thì không có một phạm vi nhất định nào để chỉ cho khu vực này; lại nữa, số lượng và danh xưng của các quốc gia trong khu vực này cũng thay đổi hoài theo thời gian. Trong các sách sử Phật giáo, Tây-vực thường được dùng để chỉ cho các nước trong khu vực nằm trên con đường bộ thông thương giữa Bắc Ấn Độ và Trung-quốc, từ thế kỉ thứ 3 tr. TL, khi Phật giáo Ấn-độ hưng thịnh và bắt đầu truyền bá ra khỏi biên thùy Ấn-độ.
Từ Ngọc Môn Quan đi về phương Tây có ba tuyến đường : Bắc, Nam, và Trung. Thoạt đầu vào thời Tùy Đường, Tây Vực bao gồm: Phía Bắc đến Phất Lâm (đế quốc Byzantine), phía Đông đến Ba Tư, phía Nam đến giáp ranh Bà La Môn (Ấn Độ). Thời Nguyên, cả khu vực Âu Châu cũng được gộp vào Tây Vực. Hiểu theo nghĩa hẹp, Tây Vực chỉ bao gồm các quốc gia Trung Á nằm dọc theo con đường Tơ Lụa. Sử Trung Hoa thường ghi các quốc danh nổi tiếng từ Tây sang Đông gồm có: Ca-thấp-di-la (Kashmir), Kế-tân (Dardisthan), Bàng-già-phổ (Punjab), Kiền-đà-la (gồm Pakistan và miền Đông Nam A-phú-hãn ngày nay), Khương-cư (Sagdiane), An-tức (Iran), Đại Nhục-chi (Kusana), Vu-điền (Khotan), Sa-xa (Yarkan), Qui-tư (Kucina), Sớ-lặc (Kashgar), Cao-xương (Turfan). Khoảng năm 260 tr. TL (dưới triều đại vua A Dục), do sự sai phái của vua A Dục, các phái đoàn cao tăng Ấn-độ đã đem Phật giáo truyền vào các nước vùng Tây-vực này, cho nên Phật giáo ở đây sớm phát triển. Buổi đầu Phật giáo được truyền vào Trung-quốc, cũng do các vị cao tăng ở Tây-vực trước nhất; sau đó, từ thời Đông-Tấn, mới có chư tăng đến từ Ấn-độ.