● (太學) là cơ cấu giáo dục đại học thời cổ, được lập ra dưới thời Tây Châu ở kinh đô. Từ thời cổ đã lập ra Thái Học (nhưng danh xưng chưa thống nhất, có khi gọi là Tịch Ung (辟雍), thời Ngu Thuấn gọi là Thượng Tường (上庠), thời Ngũ Đế gọi là Thành Quân, 成均), mãi đến đời Hán, Thái Học mới trở thành danh xưng chính thức của các trường đại học do chánh quyền lập ra tại kinh đô, và chính thức lấy tư tưởng Nho gia làm giáo dục chủ đạo trong nhà trường. Vị quan đảm nhiệm chức vụ dạy học tại trường Thái Học gọi là Thái Học Bác Sĩ. Những vị này thường xuất thân từ Ngũ Kinh Bác Sĩ, tức là những vị thông thạo Ngũ Kinh của Nho Gia. Những người được tuyển vào học trường Thái Học phải đỗ kỳ thi do quan Thái Thường khảo hạch. Đến đời Tấn, lại lập riêng một trường Thái Học để dạy con em công khanh, gọi là Quốc Tử Học (國子學, tức Quốc Tử Giám (國子監) sau này), nhưng các trường Thái Học và Quốc Tử Học vẫn do cùng một quan Quốc Tử Tế Tửu (國子祭酒, tương đương với hiệu trưởng) trông coi. Danh xưng Tế Tửu chỉ có từ đời Tấn Vũ Đế, chức Tế Tửu thường do Tể Tướng kiêm nhiệm, hai vị quan phụ tá chức Tế Tửu được gọi là Tư Nghiệp (司業). Sở dĩ gọi hiệu trưởng Quốc Tử Giám là Tế Tửu vì trong cổ lễ, khi cúng tế hoặc yến tiệc, bậc niên trưởng hoặc đức cao trọng vọng sẽ đại diện cho mọi người dâng rượu lên thần minh. Vì vậy, danh xưng Tế Tửu đồng nghĩa với người được đại chúng coi trọng. Từ giữa đời Tống trở đi, chức Tế Tửu có trách nhiệm gần như thứ trưởng giáo dục hiện thời, vì chưởng quản tất cả các trường Thái Học, Quốc Tử Giám, Vũ Học, Luật Học, Tiểu Học, ban định chính sách, sắc lệnh, tổ chức khảo thí viên chức, thăng thưởng, xử phạt các học quan (viên chức giáo dục) và hiệp trợ Thượng Thư bộ Lễ lo tổ chức thi cử. Từ thời Minh, Thanh trở đi, Tế Tửu bị giáng xuống bậc Tùng Tứ Phẩm và quyền hạn bị thâu hẹp rất nhiều, chỉ lo quản trị Quốc Tử Giám.
Thái Học
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội