● Được biên soạn bởi ngài Ha-lê-bạt-ma, và được ngài Cưu-ma-la-thập dịch từ Phạn Ngữ sang Hán ngữ. Nhằm vào học thuyết hữu bộ, luận này đưa ra sắc ấm một định nghĩa khá mới mẻ. Trong phẩm Sắc tướng, thứ 36, có nói : “Sắc ấm là Tứ Đại và Tứ Đại sở nhân thành pháp, cũng vì Tứ Đại sở thành pháp, gọi chung là sắc. Tứ đại là đất, nước, lửa và gió. Vì sắc, hương, vị và xúc, cho nên thành Tứ Đại. Vì vậy, Tứ Đại tạo nên ngũ căn như nhãn căn,…” (Sắc ấm giả. Vị Tứ Đại cập Tứ Đại sở nhân thành pháp. Diệc nhân Tứ Đại sở thành pháp. Tổng danh vị sắc. Tứ đại giả. Địa thủy hỏa phong. Nhân sắc hương vị xúc cố. Thành Tứ Đại. Nhân thử Tứ Đại thành nhãn đẳng ngũ căn). Tứ đại và nhân Tứ Đại sở thành pháp là một quan điểm lâu đời trong truyền thống Phật Giáo, nhưng “Tứ Đại sở nhân thành pháp” chính là thuyết mới của ngài Ha-lê-bạt-ma. Ông cho rằng, Tứ Đại không phải là cái nhân sau cùng của sắc thân hay thế giới vật chất, bởi vì Tứ Đại cũng là kết quả của nhiều yếu tố, vẫn còn tồn tại nhân sau cùng hình thành Tứ Đại. Những cái cụ thể này chính là bốn loại đặc trưng của sự vật khách quan (ngoại cảnh) gồm sắc, hương, vị và xúc. Sắc ở đây là chỉ cho nhãn thức sở duyên; hương, vị và xúc thì phân biệt với các đối tượng cảm giác là tỷ, thiệt và thân. Sắc tạo nên 6 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và đối tượng của chúng (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp). Tuy nhiên, có thể làm nhân cho Tứ Đại, chỉ có tứ trần (sắc, hương, vị và xúc). Ở đây, không tính đến thanh trần, bởi vì giữa vật với vật tiếp xúc nhau, mới có thể phát ra âm thanh, nó đặc biệt không có tính tồn tại độc lập của chính nó. Xem ra, bản tính của nó là không thực hữu, chính vì vậy, ở đây không liệt nó vào nguyên nhân tối hậu tạo nên vạn pháp. Như vậy Tứ Đại chủng thật thuộc về xúc xứ và thân căn, nghĩa là chỉ xúc giác của thân mới biết cứng, lỏng, nóng và động mà thôi. Khác với Tứ Đại chủng giả, chúng không phải là đối tượng của xúc giác. Thành Thật Luận nói hết thảy pháp hình chất đều do Tứ Đại hòa hợp.
Thành Thật Luận
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội