● (Tǔbō) là cách phiên âm của người Hán thời Đường để gọi vương quốc cổ Tây Tạng. Người Tây Tạng thời cổ gọi đất nước của họ là Thubod (“vùng tuyết đọng”, và nhiều nhà nghiên cứu tin rằng danh xưng Tibet hiện thời trong các ngôn ngữ Tây Phương là do chữ này bị đọc trại ra). Vương quốc Thubod do vua Namri Songtsen sáng lập, có địa bàn quanh vùng Lhasa hiện thời, và vua Namri là người đầu tiên gởi sứ đoàn sang nhà Đường để tiến cống và giao hảo. Vương quốc này đạt đến mức cực thịnh dưới thời Songtsan Ganpo (604-650, sử Trung Hoa thường phiên âm thành Tông Tán Cam Bố). Songstan Ganpo bắt đầu phái quân quấy rối biên giới nhà Đường, đánh bại quân Thổ Dục Hồn (Tuyuhun, một tiểu vương quốc sống quanh hồ Koko Nur), tạo thành một mối đe dọa lớn cho nhà Đường. Để xoa dịu và ve vãn Thổ Phiên, Đường Thái Tông gả công chúa Văn Thành. Theo chân công chúa, đạo Phật được truyền vào Tây Tạng lần thứ nhất. Do vậy, Phật giáo Tây Tạng vẫn thường coi Songstan Ganpo là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, và công chúa Văn Thành là hóa thân của Bồ Tát Đa La (Tara, Độ Mẫu, một hóa thân khác của Quán Thế Âm Bồ Tát), còn thứ phi của Songstan Gampo là công chúa của một tiểu vương ở Nepal thì được coi là hóa thân của Tỳ Câu Chi Quán Âm Bồ Tát. Người Tây Tạng vẫn tin tượng Phật được thờ ở chùa Jokhang (ngôi đại quốc tự tại kinh đô Lhasa) là do công chúa Văn Thành đem từ Trung Hoa đến.
Thổ Phiên
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội