● (Antarā-bhava) còn dịch là Trung Hữu, Trung Uẩn, Trung Ấm Hữu. Theo Câu Xá Luận quyển 7, Trung Hữu được tính từ sát-na khi cái thân đời trước chết (Tử Hữu) tới sát-na thọ sanh thân sau (Sanh Hữu). Trong khoảng trung gian, sẽ có một cái thân được hóa sanh bởi ý thức (Thức thân) chứ không do tinh huyết tạo thành nên gọi là Sanh Ý Thân hoặc Ý Thành Thân (Manomayakāya). Do được nuôi dưỡng bằng mùi hương, nên còn gọi là Thực Hương (Gandharva). Do thân này thường truy tìm chỗ kế tiếp để thọ sanh nên lại gọi là Cầu Sanh (Samhavaisin). Chỉ có Sắc Giới và Dục Giới mới có thân Trung Ấm, người sẽ thọ sanh trong Vô Sắc Giới không có thân này. Tùy theo người ấy sẽ thọ sanh trong đường nào mà hình dạng của Trung Ấm sẽ khác biệt. Chẳng hạn như theo kinh Đại Bảo Tích, quyển 56, thân Trung Ấm cõi địa ngục xấu xí, giống như gỗ cháy nham nhở, thân Trung Ấm trong súc sanh có màu khói, thân Trung Ấm trong ngạ quỷ màu như nước, thân Trung Ấm trong Dục Giới lớn bằng đứa bé năm sáu tuổi, nhưng các căn lanh lợi, thân Trung Ấm của bậc Bồ Tát đầy đủ các tướng hảo v.v… Cũng theo Câu Xá Luận, thời hạn tồn tại của thân Trung Ấm không nhất định, nhưng tối đa là bốn mươi chín ngày.
Trung Ấm
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội