Trung Thư Lệnh

● Là một chức quan đã có từ thời Tây Hán. Thoạt đầu chức quan này chuyên đảm trách việc quản trị, sao chép, lưu giữ hồ sơ, văn kiện của hoàng đế trong cung cấm, nên chỉ do các hoạn quan (thái giám) đảm nhiệm. Trung Thư Lệnh là người đứng đầu cơ quan ấy. Do những quan chức thuộc cơ quan này thường xuyên gần gũi hoàng đế và thường được vua hỏi ý kiến, nhưng các hoạn quan thường không đủ kiến thức và tài sức để làm cố vấn, cũng như để tránh tình trạng hoạn quan lũng đoạn triều chánh như thời Hán Linh Đế, nên từ thời Ngụy – Tấn trở đi, nhân viên của Trung Thư phải là những vị đại khoa, kiến thức uyên bác. Đến đời Tùy – Đường, Trung Thư Lệnh trở thành một chức quan rất quan trọng, ngoài trách nhiệm quản thủ công văn, chiếu chỉ của hoàng đế, còn chủ trì những cuộc thảo luận quyết định chánh sách, đồng thời đóng vai trò cố vấn về nội trị, đối ngoại cho nhà vua. Công việc của Trung Thư Lệnh do cơ quan Trung Thư Tỉnh đảm nhiệm, đứng đầu bởi Tể Tướng (chức danh Tể Tướng cũng được gọi là Trung Thư Lệnh, và để phân biệt, các quan trực thuộc Trung Thư Tỉnh dưới quyền Trung Thư Lệnh được gọi là Trung Thư Giám). Danh xưng Trung Thư đổi thành Trung Thư Tỉnh (hoặc Nội Sứ Tỉnh trong thời Tùy, do kiêng tên húy tể tướng Dương Trung). Nói cách khác, Trung Thư Tỉnh giống như một hội đồng cố vấn kiêm nhiệm nội các cho Tể Tướng. Về sau, chức vụ Trung Thư Lệnh mất dần thực quyền, chỉ trở thành tước vị danh dự để gia phong cho các đại thần. Đến thời Minh – Thanh, vai trò của Trung Thư Lệnh hoàn toàn bị thay thế bởi chức vụ Nội Các Đại Học Sĩ.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.