● Là một trong những cố đô nổi danh của Trung-quốc, nằm ở lưu vực sông Hoàng-hà thuộc tỉnh Thiểm-tây, tức là thành phố Tây-an ngày nay.
Trong khoảng hơn một ngàn năm từ nhà Hán tới nhà Đường (206 tr. TL – 907 s. TL), Trường-an đã từng là kinh đô của các triều đại Tây-Hán (206 tr. TL – 25 s. TL), Tiền-Triệu (304-329), Tiền-Tần (351394), Hậu-Tần (384-417), Tây-Ngụy (535-551), Bắc-Chu (559-581), Tùy (581-619) và Đường (618-960); dưới những triều đại khác thì nó cũng là một thành thị trọng yếu. Riêng trong lịch sử phát triển của Phật giáo Trung-quốc, Trường-an cũng từng chiếm một địa vị cực kì quan trọng. Thời cổ đại, Trường-an là một đô thành của Trung-quốc nằm gần vùng Tây-vức nhất, cho nên nó đã nghiễm nhiên trở thành cửa ngõ thông thương giữa Trung-quốc và Tây-vức, đồng thời cũng là địa điểm giao lưu văn hóa giữa hai vùng; theo đó, Phật giáo từ Tây-vức cũng đã được truyền nhập vào Trung-quốc bằng cửa ngõ Trường-an này. Từ buổi đầu, các vị cao tăng ở Tây-vức cùng các nước phía Tây Bắc, đã mang kinh điển Phật giáo vào Trung-quốc, trước hết là đến địa điểm giao lưu văn hóa Trường-an, từ đây mới lưu bố, hoằng dương. Các cao tăng truyền giáo cũng tới dừng chân ở thành phố này trước nhất.
Trường-an từng là đạo tràng hoằng pháp và dịch kinh nổi tiếng của các bậc đại sư lừng danh như Đạo An, Cưu Ma La Thập, Huyền Trang, Bất Không, v.v… Dưới hai triều đại Tùy và Đường, Trường-an cũng là một trung tâm Phật giáo quan trọng, từ đó mà các tông phái như Tam Luận, Hoa Nghiêm, Pháp Tướng, Câu Xá, Luật, Mật, v.v… được lưu truyền rộng rãi về phương Nam. Ngài Thiện Đạo của tông Tịnh Độ, ngài Thần Tú của Thiền tông cũng lập đạo tràng hoằng pháp tại kinh thành này. Lại nữa, rất nhiều vị sư từ Nhật-bản, Triều-tiên cũng từng đến đây tu học, và sau khi trở về nước đã tích cực truyền bá Phật giáo, trở thành những vị tổ sư của nhiều môn phái nổi tiếng ở địa phương. Trường-an cũng là căn cứ địa của nhiều tự viện nổi tiếng: đạo tràng dịch kinh do triều đình bảo hộ như các chùa Đại Hưngthiện, Hoằng-phúc, Đại Tiến-phúc; chùa Nhật-nghiêm của ngài Cát Tạng; chùa Tây-minh của hai ngài Đạo Tuyên và Viên Trắc; chùa Đại Từ-ân của hai ngài Huyền Trang và Khuy Cơ; chùa Chí-tướng của ngài Đỗ Thuận; chùa Thái-nguyên của ngài Pháp Tạng; chùa Thanh-long của Mật tông; chùa Hóa-độ của Tam-giai giáo; v.v… Các hệ thống chùa công được kiến tạo ở mỗi châu quận như chùa Đại-vân, chùa Trung-hưng, chùa Khai-nguyên, v.v… cũng lấy Trường-an làm trung tâm.
Từ đời Tống về sau, Trường-an không còn là trung tâm chính trị nữa; Phật giáo cũng đã lưu hành khắp mọi nơi, nhiều trung tâm Phật giáo mới dần dần xuất hiện, và Trường-an cũng dần dần mất đi cái địa vị “trung tâm Phật giáo” của Trung-quốc mà nó đã hãnh diện đảm nhận trải cả ngàn năm trước đó