● Ở Trung-quốc, người tuổi cao đức trọng thì được người tôn kính xưng là trưởng giả. Ở Việt-nam, từ này có hai ý nghĩa:
– Chỉ cho người tuổi cao đáng kính trong một vùng dân cư;
– Chỉ cho người giàu có mà kém hiểu biết, sống xa xỉ kiêu mạn, thích khỏe thân, không chịu khó.
Danh xưng “trưởng giả” trong kinh điển, như ở Kinh Pháp Hoa huyền tán quyển mười nói : “Tâm tánh ngay thẳng, lời lẽ chân thật, hành vi thuần cẩn, tuổi tác giả cả, của cải giàu có, gọi là trưởng giả”, dùng để chỉ cho hạng trưởng giả ở Ấn-độ thời cổ.
Theo pháp sư Viên Anh, để được gọi là “trưởng giả” phải hội đủ mười đức:
1.Dòng dõi sang quý, tức là những người thuộc những dòng họ cao quý, giàu mạnh trong giai cấp Sát-đế-lợi (Ksatriya).
2.Có Địa Vị cao quý, chẳng hạn như thừa tướng, lão thần trong triều.
3.Rất giàu có.
4.Có oai thế, tướng mạo trang nghiêm, oai hùng, khiến người khác thoạt nhìn đã kính sợ.
5.Trí sâu: Tâm sáng như mặt trời, mặt trăng, thông minh, thuần hậu.
6.Tuổi cao.
7.Giới Hạnh thanh tịnh, đáng làm gương mẫu cho người khác.
8.Lễ nghi đầy đủ, tức là dáng diệu an hòa, xử sự đúng phép tắc, khiến cho người khác cảm thấy vinh dự, hoan hỷ khi được thân cận.
9.Được bề trên khen ngợi, tức là được các bậc vương giả ca ngợi.
10.Được kẻ dưới quy ngưỡng: Được nhân dân, bầy tôi kính phục.
Vì có đầy đủ mười đức như vậy, cho nên các vị trưởng giả nhiều khi còn được kính trọng hơn cả các quan chức triều đình.