● Chính là ngài Huệ Nhật sống vào thời Đường, sau khi thọ Cụ Túc Giới đã tham yết ngài Nghĩa Tịnh, nghe ngài Nghĩa Tịnh kể lại chuyến đi sang Ấn Độ cầu pháp, liền phát tâm hâm mộ, nguyện noi theo chí thầy. Trong niên hiệu Võ Tắc Thiên, Sư vượt biển, ba năm sau mới đến được Ấn Độ, tham bái các thánh địa di tích của Thích Ca Mâu Ni Phật, vừa thu thập các bản kinh Phật bằng tiếng Phạn. Trong quá trình cầu pháp, Sư gặp nhiều nỗi nhọc nhằn nên tâm nhàm chán Sa Bà càng mạnh, tâm hâm mộ Cực Lạc càng cao. Nghe nói trên quả núi to ở phía Đông Bắc thành Kiện Đà La (Gandhara), Quán Thế Âm Bồ Tát thường hiện thân, nên Sư lên đỉnh núi ấy, lễ bái suốt bảy ngày, nhịn ăn, thệ nguyện đến chết mới thôi. Đến tối ngày thứ bảy, Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân tử kim trên không trung, ngồi trên sen bảy báu, duỗi tay phải xoa đầu ngài Huệ Nhật, khuyên hãy hoằng dương pháp môn Tịnh Độ. Pháp sư Huệ Nhật ở lại Ấn Độ học pháp suốt mười ba năm, trở về Trung Hoa nhằm thời Đường Huyền Tông, được vua ban hiệu Từ Mẫn Tam Tạng. Sư hoằng dương Tịnh Độ, chủ trương “Giới Tịnh song tu, Giáo Thiền nhất trí, đem hết thảy công đức hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ”. Tư tưởng này được ngài Vĩnh Minh Diên Thọ kế thừa và bổ sung hoàn chỉnh.
Từ Mẫn
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội