● (904-975): cũng gọi là Vĩnh Minh, hay Diên Thọ, hoặc Vĩnh Minh Thọ thiền sư, vừa là tổ thứ 3 của phái thiền Pháp Nhãn, vừa là tổ thứ 6 của tông Tịnh Độ Trung-quốc. Ngài họ Vương, tự Trọng Huyền, vốn quê ở huyện Giang-ninh, tỉnh Giang-tô, sau dời qua huyện Dư-hàng, tỉnh Triết-giang. Lúc trẻ ngài làm quan trông coi về thuế vụ dưới thời vua Tiền Lưu của nước Ngô-Việt (một trong 10 nước thời Ngũ-đại, 907-978, Trung-quốc). Năm 30 tuổi ngài vào núi Tứ-ninh (Triết-giang), xin xuất gia với thiền sư Thúy Nham ở chùa Long-sách. Sau đó ngài đến núi Thiên-thai, xin tham yết quốc sư Đức Thiều tu tập thiền quán, được truyền pháp, trở thành người thừa kế đời thứ 3 của tông Pháp Nhãn. Ngài lại đến chùa Quốc-thanh, chuyên đọc tụng kinh Pháp Hoa, và hành trì Pháp Hoa Sám Pháp. Sau đó ngài đến trú tại núi Tuyết-đậu ở Minh-châu. Tại đây ngài ra công hoằng pháp, đồ chúng theo học rất đông. Từ năm 961 (dưới vương triều Tống) ngài trú tại chùa Vĩnh-minh (Tây-hồ, Hàng-châu) cho đến cuối đời, nhiếp hóa đồ chúng đông đúc, khiến nơi đây trở thành một đạo tràng quan trọng của cả hai tông phái Thiền và Tịnh Độ. Ngài mỗi ngày hành trì 108 điều – mà hai điều quan trọng nhất là tụng một bộ kinh Pháp Hoa và niệm Phật mười vạn biến. Buổi tối lại ra một hang đá riêng để niệm Phật. Tất cả Công Đức tu trì ngài đều hồi hướng về cõi Tịnh-độ. Ngài viên tịch năm 975, thọ thế 72 tuổi, được vua ban thụy hiệu là Trí Giác thiền sư. Ngài chủ xướng con đường “Thiền Tịnh song tu”. Ngài có hai tác phẩm quan trọng: Tông Cảnh Lục (dung hòa những dị đồng giữa ba tông Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và Duy Thức), Vạn Thiện Đồng Qui (trình bày yếu chỉ tông Tịnh Độ).
Vĩnh Minh Diên Thọ
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội