● (Aśoka), dịch nghĩa là Vô Ưu Vương, còn có biệt hiệu là Thiên Ái Hỷ Kiến Vương (Devānajpriya Priyadraśi), là vua đời thứ ba của vương triều Khổng Tước tại Ma Kiệt Đề, sống vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Vua thống nhất Ấn Độ, là người nhiệt thành ủng hộ Phật giáo. Khi còn nhỏ, hoàng tử rất hung bạo, vua cha không ưa. Đến khi nước chư hầu Taksaśīla làm phản, vua cha liền sai hoàng tử cầm quân đi đánh dẹp với hy vọng hoàng tử sẽ bị loạn quân giết. Nhưng hoàng tử đã dẹp yên phản loạn, lập đại công, thanh thế lừng lẫy. Sau khi cha mất, hoàng tử bèn trở về giết hết 99 người anh em để lên ngôi (tuy vậy, cũng có thuyết cho rằng đây là lời ngoa truyền nhằm phóng đại tính tàn nhẫn của nhà vua). Đã làm vua, A Dục càng bạo ác hơn, tàn hại đại thần, phụ nữ, bá tánh; do vậy dân chúng oán thán gọi vua là Chiên Đà A Dục (Chiên Đà là tiếng gọi hàng tiện dân Ấn Độ, những người này thường làm nghề đồ tể hoặc những nghề bẩn thỉu như thiêu xác, gánh phân v.v…). Vua lấy thành Hoa Thị làm thủ đô, gây chinh chiến liên miên để mở rộng đế quốc, thống trị toàn Ấn Độ và những tiểu quốc xung quanh. Về sau vua được Phật giáo cảm hóa. Theo truyền thuyết, do cuộc viễn chinh xứ Kalinga quá tàn nhẫn, vua động lòng, bèn nhiệt thành tin tưởng Phật giáo, tận lực hoằng dương Phật giáo để chuộc lỗi cũ, nên dân gian lại gọi vua là Đạt Ma A Dục vương (Chánh Pháp A Dục Vương). Năm thứ 17 dưới triều vua A Dục, Tam Tạng kinh điển được kết tập lần thứ ba dưới sự chủ tọa của ngài Mục Kiện Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta-tissa), có hơn một ngàn vị trưởng lão tham dự, chín tháng mới kết tập xong. Vua phái các danh tăng đạo cao đức trọng đi truyền đạo khắp các cõi như Majjhantika, Kasmira, Gadhara, Mahadeva, MahisakaMandala, Rakkhita, Vanavāsi, Yonaka-dhammarakkhita… cho đến tận Tích Lan. Vua cũng cho lập các bia đá ghi chép các huấn dụ hoằng dương Phật giáo, truyền lệnh khoan dung, tôn trọng các ngoại đạo, cho lập các trụ đá đánh dấu nơi đức Phật đản sanh, thành đạo, nhập diệt v.v…
Vua A Dục
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội