Sau sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm, Phật giáo miền Nam tiến hành đại hội, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Giáo hội có điều lệ, hiến chương hoạt động. Nhưng không lâu sau đó, trong nội bộ tổ chức đã bị phân hóa thành hai khối: Khối Ấn Quang và khối Việt Nam Quốc tự.
Tuyên úy Phật giáo là một Vụ trong số 11 Vụ thuộc cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, khối Việt Nam Quốc tự. Tuyên úy Phật giáo được thành lập từ năm 1966. Thực chất đây là một tổ chức do chính quyền ngụy dựng lên để tuyên truyền trong binh lính và có những hoạt động chống phá phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bằng nhiều cách khác nhau. Tuyên úy Phật giáo do Thích Tâm Châu cầm đầu.
Ngày thường, các Tuyên úy Phật giáo mặc giáo phục thường, với những phù hiệu riêng biệt chỉ chức vụ và cấp bậc của họ trong quân đội ngụy. Khi đi “hành quân”, các Tuyên úy Phật giáo này còn dùng hình thức tuyên truyền qua đài phát thanh bằng chương trình “Tiếng chuông chùa” và qua nhiều đặc san như Tiền tuyến của Sở Tuyên úy Quân đoàn III Ngụy. Chỉ trong vòng mười năm sau ngày thành lập, Tuyên úy Phật giáo đã dựng lên 145 ngôi chùa toàn miền Nam. Hình thức và nội dung các ngôi chùa này được thiết kế như một lô cốt hay một pháo đài công sự, dùng tượng Phật làm nơi ẩn náu. Như Sơn Lâm tự của Thủy quân Lục chiến ngụy, Hưng Pháp tự của Sư đoàn nhảy dù ngụy…
Việc xây dựng thêm chùa chiền nhằm phục vụ cho việc đẩy mạnh công cuộc chống phá phong trào cách mạng của nhân dân đang ngày càng lớn mạnh, theo thống kê của Trung tâm lưu trữ cho thấy số chùa ở Nam Bộ tăng nhanh, chỉ riêng tại quận 1, khu vực trung tâm của Sài Gòn thời này đã có 50% số chùa được xây dựng. Tại quận Phú Nhuận, từ năm 1954 đến 1975 đã tăng thêm 37 ngôi chùa, tức sức phát triển lên đến 173%. Tại Sài Gòn, nếu như năm 1955 chỉ có 356 ngôi thì năm năm sau đó, đã tăng gần gấp đôi, trên 600 ngôi. Đến năm 1975 đã có 1.043 ngôi chùa toàn thành phố.
Sau năm 1975, tổ chức Tuyên úy Phật giáo tan rã, các phần tử trong Tuyên úy đã đi ra nước ngoài.