● (Tri-vidhāni śīlāni). Cũng gọi là “Bồ-tát tam tụ giới”, hoặc “tam tụ viên giới”, tức là giới pháp của hàng Bồ-tát đại thừa. Chữ “tụ” nghĩa là nhóm, chủng loại. Ba nhóm giới pháp này bao hàm tất cả giới pháp đại thừa, tính chất thanh tịnh, không ô nhiễm, viên dung vô ngại, nên gọi là “tam tụ tịnh giới”; gồm có:
1) Nhiếp luật nghi giới (Samvara-śīla), cũng gọi là “tự tánh giới”, gồm tất cả giới luật mà bảy chúng thọ nhận (tùy theo tại gia hay xuất gia mà thọ năm giới, mười giới, cụ túc giới, v.v…), có đầy đủ công năng dứt trừ các điều ác và ngăn ngừa gây tội lỗi. Cho nên, nhóm giới “nhiếp luật nghi” ở đây nhằm nhấn mạnh về phương diện “chỉ ác”.
2) Nhiếp thiện pháp giới (Kuśala-dharma-samgrāhaka-śīla), cũng gọi là “thọ thiện pháp giới”, tức là tu tập tất cả các pháp lành. Tu tập các thiện nghiệp như thường siêng năng tinh tấn, tâm không buông lung, cúng dường Tam Bảo, thực hành sáu pháp qua bờ, có lỗi thì y pháp sám hối, v.v…; nói chung là trưởng dưỡng các thiện pháp ở cả ba nghiệp thân, miệng và ý, và hồi hướng công đức tu tập ấy về quả vị vô thượng bồ đề. Cho nên, nhóm giới “nhiếp thiện pháp” ở đây nhằm nhấn mạnh về phương diện “tu thiện”.
3) Nhiếp chúng sinh giới (Sattvārtha-kriyā-śīla), cũng gọi là “nhiêu ích hữu tình giới”, tức là đem lòng từ bi làm lợi lạc cho chúng sinh. Các việc cụ thể mà Bồ-tát cần thực thi như: kết bạn để cùng chia sẻ công việc với những người làm việc giúp ích quần chúng; giảng dạy giáo pháp hoặc tìm mọi cách thích hợp giúp người khai mở trí tuệ; bằng mọi cách giúp người thoát khỏi những nỗi sợ sệt, những buồn đau vì mất của cải, mất người thân; giúp đỡ vật chất cho những người nghèo đói; có đức hạnh đầy đủ để làm chỗ y chỉ cho người cầu học, dạy dỗ khéo léo và đúng chánh pháp; hoan hỉ, tán dương những người có đức hạnh; lấy lòng từ bi mà quở trách những người làm lỗi; v.v… Nói chung là bằng mọi cách khéo léo và đúng giáo pháp, làm cho mọi người biết tránh các điều ác, làm các việc lành, tu tập chánh pháp, có được một đời sống an vui, hạnh phúc. Bởi vậy, nhóm giới “nhiếp chúng sinh” ở đây nhằm nhấn mạnh về phương diện “lợi sinh”