● Là gọi tắt của tiếng Phạn Sanghārāma, dịch nghĩa là Chúng Viên, Tăng Viên, Tăng Viện. Nghĩa gốc là nơi rừng hay vườn cây để chúng Tăng ở, về sau dùng để chỉ chung chùa chiền của Tăng chúng. Một ngôi Tăng Già Lam phải có đủ bảy kiến trúc, gọi là Thất Đường Già Lam. Tùy theo tông phái và thời đại mà bảy thứ kiến trúc này hơi khác biệt, nhưng thông thường gồm có: Tháp (để thờ Xá-lợi), kim điện (tức chánh điện thờ Phật), giảng đường, lầu chuông, tàng kinh lâu, tăng phòng và trai đường. Chánh điện và tháp luôn xây ở phía Nam. Riêng các tự viện Thiền Tông lại quy định thất đường là Phật điện, pháp đường (tức giảng đường) nằm phía sau Phật điện, Tăng đường (tức Thiền Đường hay còn gọi là Vân Đường, vừa làm chỗ tọa thiền vừa là chỗ nghỉ ngơi của Tăng chúng. Nơi này bắt buộc phải thờ tượng Văn Thù Bồ Tát), khố phòng (nhà kho và nhà bếp), sơn môn (cửa tam quan), Tây Tịnh (nhà vệ sinh), Dục Thất (hoặc ôn thất, tức nhà tắm). Trong Tăng Đường, Tây Tịnh và Dục Thất cấm ngặt trò chuyện nên ba đường này được gọi chung là Tam Mặc Đường.
Già Lam
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội