● (Nh. Roshi, H. Lao-tsu). Giáo chủ của Đạo giáo (tức Lão giáo), Trung- quốc. Có nhiều truyền thuyết khác nhau về nhân vật Lão Tử; và thuyết sau đây được nhiều người nói đến: “Lão Tử” có nghĩa là ông thầy già, là danh hiệu của Lí Nhĩ, tự là Bá Dương, tên thụy là Đam; cho nên cũng gọi là Lão Đam. Ông là người huyện Khổ, nước Sở (nay là tỉnh Hồ-nam), sống vào khoảng từ năm 570 đến năm 400 trước TL – cùng thời với Khổng Tử (551-479 tr. TL), và lớn hơn Khổng Tử mấy chục tuổi.
Mặc dù Lão Tử thường được xem là hiền triết vĩ đại nhất của Trung quốc, song người ta lại biết rất ít về đời sống thực của ông. Cũng ngụ ý ấy khi Ngài nói: “Người biết thì không nói, người nói thì không biết”.
Ông từng làm sử quan, trông coi kho sách của nhà Chu. Ông chuyên tu bồi đạo đức, lấy sự “ẩn tích mai danh” làm gốc; vì vậy, khi thấy nhà Chu suy yếu, ông bèn bỏ đi. Đến cửa ải Hàm-cốc, được quan huyện ở đó mời ở lại viết sách truyền đời. Ông ở lại, và đã soạn bộ Đạo Đức Kinh (Nh. Dotoku-kyo, H. Tao Teh ching là thánh kinh của Đạo giáo, tôn giáo phát xuất chung quanh tập sách ấy, nên gọi thế. Đạo được định nghĩa như là nền tảng của toàn bộ cuộc tồn sinh hoặc như là năng lực vũ trụ), xong rồi bèn bỏ đi. Từ đó không ai còn biết gì về tông tích của ông nữa
Về nội dung quyển Đạo đức kinh, thật ra không hề dạy phép tu tiên luyện đan như các đạo sĩ của Đạo giáo về sau. Người ta chỉ đồng hóa những tư tưởng siêu việt trong Đạo đức kinh và nhân cách thoát tục của ông – theo lời truyền tụng – với mục đích tu tiên của Đạo giáo rồi tôn ông làm Giáo tổ. Nhưng Lão tử thật ra không hề sáng lập Đạo giáo theo ý nghĩa như một tôn giáo