An Sĩ Toàn Thư – Quyển Hai – Khuyên Những Người Đánh Bắt Chim ( P.1 )

Chim chóc tuy là loài vật nhỏ nhoi, nhưng khi chim trống đi xa, chim mái cũng kêu lên những tiếng buồn thương, khi chim mẹ không về, chim con cũng biết chiêm chiếp kêu ran đợi mớm mồi. [Những tình cảm ấy] so với con người thật không khác biệt. Ví như rơi vào cảnh đôi bạn chia lìa, mẹ con ly tán, ắt phải kêu tiếng bi thương, bỏ ăn mất ngủ, sầu thảm không nơi nương tựa. Cho nên có câu rằng: “Chia rẽ trống mái trong loài vật, phải chịu quả báo vợ chồng ly tán; giết hại con cái của loài vật, phải chịu quả báo con cháu mình chết yểu.” Nhân quả rõ ràng không hề sai dối.

Ba con chim én nhớ ơn

Vào đời nhà Tống, ở Nghiêm Châu có người phụ nữ tên Vương Á Tam, một hôm nhìn thấy con mèo vồ chết chim én mẹ, liền mang cơm đến nuôi ba con chim én con trong tổ. Đến khi chim lớn bay đi mất.

Mùa đông năm ấy, Vương Á Tam qua đời. Tiếp đến mùa xuân năm sau, có ba con chim én bay về lượn mãi quanh nhà. Người mẹ của Vương Á Tam liền nói: “Có phải chim én tìm Á Tam chăng? Á Tam đã chết, chôn ở sau vườn.” Ba con chim én liền bay vào vườn, kêu tiếng đau thương rồi nằm chết cả trên mộ Vương Á Tam.

LỜI BÀN Con người liệu có ai biết nhớ ơn xưa, tình sâu nghĩa nặng được như ba con chim én này chăng? Xem qua chuyện này rồi thật buồn đau mà hổ thẹn.

Chim khách chọn huyệt táng

Huyện Vũ Tấn có Cù Công là người nhân hậuđức độ sâu dày. Một hôm, ông nhìn thấy con chim khách mang trên mình một mũi tên, cất tiếng kêu bi thương đau đớn. Ông thương xót liền nói: “Nếu mày muốn tao giúp nhổ tên ra thì mau đáp xuống đây.” Chim khách quả nhiên bay đáp xuống trước mặt ông. Cù Công nhổ mũi tên ra, nuôi dưỡng chim trong mấy ngày [cho bình phục] rồi thả bay đi.

Về sau, khi Cù Công muốn cải táng cha mẹ, đã tìm được chỗ đất tốt nhưng không biết chọn huyệt nơi nào. Khi ấy bỗng nhiên có một bầy chim khách tụ tập đến. Một con chim khách bay đến ngậm chéo áo Cù Công rồi bay lại một chỗ đất trong phần mộ, liên tiếp ba lần như vậy. Cù Công liền nói: “Nếu nơi ấy đúng là huyệt tốt, mày hãy kêu lên ba tiếng.” Chim khách lập tức y lời kêu lên ba tiếng. Cù Công cho mời thầy địa lý đến xem xét lại, quả nhiên chỗ đất ấy rất thích hợp, liền cho đào huyệt táng vào.

Về sau, hai con ông là Cù Sĩ Đạt và Cù Sĩ Tuyển dự thi Hương đều đỗ, con cháu về sau ngày càng hưng thịnh.

LỜI BÀN Huyệt táng tốt xấu đều do nơi tâm mình mà ra. Tổ tiên hung bạo mà tự tâm mình không biết tích đức tu nhân, chỉ hướng ra bên ngoài mang linh cữu đi tìm chỗ đất táng cho tốt đẹp, đó chỉ là kẻ ngu muội mà thôi.

Nguồn: thuvienhoasen.org