Hỏi:
Chùa Cao Mân có nghi thức quả đường không?
Đáp:
Quả đường cũng có, đó là của Giáo môn chứ không phải là Thiền môn. Hòa thượng Đức Lâm học tông Thiên thai, ngài nói với tôi “lịch sử Thiền tông Trung Hoa, tôi chưa coi cuốn nào”, tất cả Truyền Đăng Lục, tôi đều xem qua hết. Như thầy bổn sư của tôi là ở Phước Kiến, Phước Châu có chùa Dũng Tuyền ở trên núi Cổ Sơn của Tào Động tông, được nhiều người kiến tánh. Thầy tôi có ở đó 2 năm, lúc ấy có 200 Tỳ kheo ở trong Thiền đường; nhưng chỗ ấy Giáo môn cũng có, niệm Phật cũng có.
Có 3 nhánh: nhánh chánh là Thiền đường có 200 Tỳ kheo ở đó tham Tổ sư thiền, có nhánh Đại bi lầu chuyên trì chú đại bi có mười mấy Tỳ kheo, có niệm Phật đường có hai mươi mấy vị chuyên niệm Phật. Lầu Đại bi và niệm Phật đường từ bắt đầu vô cho đến cuối cùng, tất cả đều phải tụng kinh sáng chiều và phải ăn quả đường.
Chỉ có Thiền chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất phải làm hết là ăn quả đường và tụng kinh sáng chiều; giai đoạn thứ nhì là chọn những người tinh tấn vô Thiền đường nhỏ chuyên tham thiền, trong đó có mấy chục vị tọa hương đi hương, tới bữa ăn dọn sẵn đến ăn, chứ không có tụng kinh hay ăn quả đường; giai đoạn thứ ba là những vị trong Thiền đường nhỏ xin ra ở một mình trong Cốc, cách chùa hơi xa, mỗi cái Cốc chỉ ở một người, cách xa xa có một cái Cốc, hai Cốc nhìn thấy nhau nhưng không nói chuyện với nhau được.
Chùa không phát lương thực cho những cái Cốc, nhưng phát một bao cơm cháy; mỗi nửa tháng về chùa lãnh một bao cơm cháy, ăn hết nửa tháng sau lãnh tiếp; có người nấu lại ăn hoặc có người chỉ ngâm nước lạnh cho mềm để ăn, năm này qua năm khác không có bệnh, không thiếu dinh dưỡng. Phần nhiều những người ở Cốc đều có thần thông, là những người đều tu đến bực cao. Cho nên, họ không cần phải đi lãnh, mà tâm tâm đi lấy; vì người phát cơm cháy biết những phần cơm cháy của họ biến mất.