Vào triều Minh, đất Dự Chương[i] có một thư sinh tên là Nhiêu Thường. Một hôm giữa đường gặp một người cùng quẫn phải bán vợ cho người khác mang đi phương xa, đang lúc vợ chồng từ biệt nhau khóc lóc thảm thiết. Nhiêu Thường động lòng thương, gạn hỏi số tiền người kia đang cần là bao nhiêu, rồi lập tức về nhà bán ruộng mang tiền đến giúp. Nhờ đó mà vợ chồng người kia lại được đoàn tụ.
Đến khoa thi năm đó, vị quan chủ khảo bỗng nhiên nằm mộng thấy một vị thần mặc áo giáp vàng hiện ra bảo rằng: “Vì sao ông lại không chấm đậu cho kẻ bán ruộng giúp người kia?” Quan chủ khảo giật mình tỉnh giấc, lập tức kiểm lại thì quả nhiên phát hiện mình đã bỏ sót một quyển bài thi, bèn mang ra chấm. Bài thi ấy trúng tuyển, được xếp thứ ba, chính là bài thi của Nhiêu Thường. Đến khi dự yến tiệc mừng các vị tân khoa, quan chủ khảo được biết việc Nhiêu Thường bán ruộng giúp người, qua đó mới hiểu được lời của thần nhân trong mộng.
Về sau, Nhiêu Thường có 3 người con trai là Cảnh Huy, Cảnh Diệu, Cảnh Vỹ, đều nối tiếp nhau đỗ đạt.
[i] Nay là Nam Xương thuộc Giang Tây.