Hỏi:
Lúc đó Bùi Hưu ngộ cái gì?
Đáp:
Nếu có cái gì thì không phải ngộ. “Bồ đề viên mãn quy vô sở đắc”, nếu có đắc được thì không phải ngộ; sẵn sàng của mình, người kiến tánh triệt để tự nhiên có cái dùng đó.
Có vị kiến tánh, ban đêm tự nhiên la lên “ta đại ngộ rồi!” Sáng mai, Trụ Trì thượng đường hỏi: hồi hôm, ông nào đại ngộ ra đây? Vị ấy ra. Trụ trì (đã kiến tánh) hỏi: tại sao tự mình nói đại ngộ, thấy cái gì vậy?
Vị ấy đáp: Sư cô vốn là người nữ làm.
Trụ trì biết vị ấy đã kiến tánh.
Một Thiền sư danh tiếng, căn cơ chưa đến mức chín mùi, cũng không có cách nào làm cho ngộ. Như Tổn Khiêm theo Đại Huệ hai chục năm, có công phu rất nhiều, nhưng chưa ngộ; Đại huệ biết vị này căn cơ gần chín mùi, mới sai đem lá thư cho cư sĩ Ngụy Công ở Kinh Thành, đang làm quan tương đương Thừa tướng, là người đã kiến tánh. Tổn Khiêm bực mình và nói “tôi đã dùng công phu hai chục năm mà chưa ngộ, mà bây giờ sai tôi đem lá thư, đi bộ phải mất tháng mới tới”.
Bạn đồng tham tên Quang cũng biết ý của Đại Huệ, biết vị này sắp ngộ, nói: đi đường cũng dùng công phu được vậy, tại sao không đi? Để tôi đi cùng sẽ giúp ông. Đi được một khoảng đường, Quang nói: việc gì tôi cũng có thể giúp, nhưng chỉ có 5 điều thì ông phải tự làm.
Tổn Khiêm hỏi: 5 điều gì?
Quang nói: đi tiêu, đi tiểu, mặc áo, ăn cơm, với kéo tử thi đi trên đường.
Tổn Khiêm nghe xong liền ngộ.
Quang nói: bây giờ, ông đi một mình được rồi, còn tôi đi về.
Tổn Khiêm đi đến Kinh Thành gặp Ngụy Công đưa thư, Ngụy Công muốn nhờ Tổn Khiêm độ người mẹ, người mẹ này thường ngày hay tụng kinh, Ngụy Công không có cách nào khuyên người mẹ bỏ tụng kinh để tham thiền. Tổn Khiêm có nhân duyên với người mẹ, một thời gian người mẹ bỏ tụng kinh, rồi tham thiền được kiến tánh. Tổn Khiêm trờ về chùa, ở đằng xa Đại huệ thấy liền biết Tổn Khiêm đã ngộ.