Phải Chăng Tuyệt Đối Không Được Xê Dịch Lư Hương?

HỎI: Mẹ tôi mới mất, đang thờ ở một bàn thờ riêng. Hiện tôi có nghe một số ý kiến cần kiêng kỵ đối với lư hương mới. Cụ thể như: Không di chuyển hay xoay tới xoay lui, không nhổ chân hương, không lau chùi, việc ấy có đúng không? Chừng nào thì chuyển lư hương và hình thờ của mẹ lên bàn thờ cửu huyền (ông bà)?

(KHÁNH NAM, ttkthuy161979@gmail.com)

bantho 2.jpg
Lư hương (hoặc lư trầm) chỉ là một trong những vật dụng
thờ cúng như chân đèn, bình hoa, đĩa quả – Ảnh minh họa

ĐÁP: Bạn Khánh Nam thân mến!

Lư hương (hoặc lư trầm) chỉ là một trong những vật dụng thờ cúng như chân đèn, bình hoa, dĩa quả, bát nước… Theo Phật giáo, các vật dụng ấy chỉphương tiện thờ cúng, tùy duyên sử dụng mà không có bất cứ vấn đề kiêng kỵ nào.

Vì thế, các lư hương trên bàn thờ ở chùa hay ở nhà, nếu chưa ngay cần chỉnh lại cho ngay ngắn, hàng ngày cần nhổ hết chân hương (có thể chừa lại một cây), lau chùi lư hương sạch sẽ. Nói chung là cần dọn dẹp, lau chùi toàn bộ bàn thờ luôn sáng sạch, thanh tịnh và trang nghiêm.

Sau lễ chung thất (49 ngày), con cháu có thể thỉnh di ảnh mẹ lên bàn thờ cửu huyền, lư hương đem cất. Một số gia đình thì vẫn thờ riêng khá lâu, sau lễ tiểu tường (12 tháng) hay đại tường (24 tháng) mới thỉnh di ảnh lên bàn thờ cửu huyền.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn