Năm 1944

PG Nam tông người Việt xuất hiện được một thời gian thì hệ phái Khất sĩ ra đời. Người sáng lập là Sư trưởng Minh Đăng Quang.

Sư trưởng Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh ngày 26-9 Quý Hợi (1923) tại Vĩnh Long. Sau 4 năm học đạo ở Campuchia, năm 21 tuổi (1944), Sư xuất gia và hành đạo tại quê hương, sau đó qua Thất Sơn và Hà Tiên truyền giáo. Ngài tu hạnh “Khất sĩ”, sống đời du tăng. Bằng sự thâu hóa và sáng tạo, Ngài đã dung hợp hai hệ tư tưởng PG Nam tông và Bắc tông để gọi là tông phái thuần Việt như chúng ta đã biết : đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Trong phương thức truyền giáo, kinh điển của hệ phái được cô đọng trong bộ Chơn lý ; ngoài ra còn có một vài tác phẩm biên soạn bằng Việt ngữ, đặc biệt sáng tác văn thơ, phương thức này tương đối mới lạ, dễ hấp dẫn chúng dân Nam Bộ.

Về tổ chức, Tăng sĩ hệ phái được tu học dưới sự hướng dẫn của Sư trưởng Minh Đăng Quang. Đến ngày 1 tháng 2 Giáp Ngọ (1954), Sư trưởng bị ngoại đạo bắt đi và vắng bóng (đến ngày nay). Từ đó hàng hậu duệ mới tiến đến việc thành lập các giáo đoàn. Đến đầu thập niên 1960 thì hệ phái hình thành được 5 giáo đoàn trên hai miền Trung và Nam của đất nước.

Ngày 22 tháng 4 năm 1966, hệ phái Khất sĩ đã mở một hội nghị để thành lập một tổ chức bề thế hơn có tên Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam. Bản điều lệ được hình thành gồm 32 điều. HT Thích Giác Nhiên được suy cử lên ngôi Tổng Trị sự trưởng. Năm 1973 vào ngày 4 tháng 9, giáo phái tiến hành Đại hội tại tịnh xá Trung Tâm, hệ thống tổ chức được phân làm hai viện: Viện Chỉ đạo và Viện Hành đạo. Bản điều lệ được chỉnh lý thành 26 điều. Đại hội ngày 17 tháng 6 năm 1975, bản điều lệ được tu chỉnh thành 6 chương 27 điều. Đây cũng là Đại hội cuối cùng của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, trước khi gia nhập vào Giáo hội đương đại.

Hiện nay, hệ phái Khất sĩ có khoảng 2.000 Tăng, Ni và hơn 500 ngôi tịnh xá.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.