Năm 1950

Bước sang thập niên 1950, PG phát triển rõ nét, các hội đoàn không ngớt ra đời. Giới lãnh đạo PG mới tính đến chuyện thống nhất các tổ chức hội đoàn thành Tổng hội hay Giáo hội.

Các kỳ thống nhất PG từ thập niên 1950 về sau được lịch sử ghi đậm nét là:

– Thống nhất PG 1951 tại chùa Từ Đàm – Huế, nhằm kết hợp 6 tập đoàn PG thành một tổ chức có tên Tổng hội PG Việt Nam.

– Thống nhất Phật giáo 1952 tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, nhằm liên kết các bậc cao tăng lãnh đạo PG trên ba miền đất nước để thành lập Giáo hội Tăng già Toàn quốc Việt Nam.

– Thống nhất PG 1958 tại chùa Quán Sứ  – Hà Nội và Hội PG Thống nhất Việt Nam ra đời.

– Thống nhất PG vào cuối năm 1963, đầu năm 1964, để kết hợp 11 tập đoàn PG khác nhau thành tổ chức lớn mạnh mang tên Giáo hội PG Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).

Như vậy, trong hai thập niên 1950,1960, có đến 4 lần thống nhất PG ; ở thập niên 1950 có 3 lần. Kỳ thống nhất PG vào đầu năm 1964 tại miền Nam được xem là kỳ thống nhất lớn mạnh nhất, Giáo hội đã kết hợp được 11 tổ chức PG khác nhau và quy tụ được một khối lượng tín đồ khổng lồ của các tỉnh miền Trung và miền Nam làm hậu thuẫn. Phải thừa nhận rằng, các tổ chức PG trước đó, chưa có tổ chức nào quy mô và hiện đại như cơ chế tổ chức của GHPGVNTN. Sức mạnh của Giáo hội này đã làm cho thế giới biết nhiều hơn về PG Việt Nam; song, bên cạnh đó cũng có những khuyết điểm trầm trọng không tránh khỏi.

Giáo hội này vẫn chưa thống nhất PG được một cách toàn diện. Mặc dù đã quy tụ được 11 tập đoàn khác nhau nhưng vẫn còn một số Giáo hội tương đối lớn hoạt động riêng lẻ như: Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam, đạo Phật Khất sĩ Việt Nam (lúc này hệ phái Khất sĩ chưa thành lập Giáo hội), Giáo hội Thiền Tịnh Đạo tràng… chứng tỏ sự thống nhất này chưa toàn triệt. Trên danh nghĩa tuy đã thống nhất, sự thống nhất này còn yếu về mặt đoàn kết hòa hợp; nên chỉ 3 năm sau đó, 1967, Giáo hội bị phân hóa thành hai khối hoạt động theo 2 bản Hiến chương khác nhau. Sự phân hóa này ngày càng trầm trọng hơn dẫn đến chống đối kịch liệt và xung đột nhau vào đêm 5/5/1970 tại Việt Nam Quốc tự. Đây là hệ quả chia rẽ trầm trọng của Giáo hội này. Mặc dù bị chia rẽ (tất nhiên có yếu đi), GHPGVNTN vẫn tồn tại và hoạt động cho đến khi Giáo hội PG Việt Nam ra đời. Đại hội kỳ VII của Giáo hội này được khai mạc vào sáng 23/1/1977 tại Văn phòng Viện Hóa đạo (chùa Ấn Quang, Q.10) gồm 160 đại biểu của 54 đơn vị trực thuộc tham dự. HT Thích Trí Thủ, nhân danh Viện trưởng tân nhiệm, đã ký Thông bạch 7 điểm, trong đó có điểm thứ 6 nguyên văn như sau: “Đại hội cẩn ủy Giáo hội Trung ương tiếp tục vận động thống nhất PG cả nước trong tinh thần đạo pháp và truyền thống dân tộc” (Trích Tiểu sử cố HT. Thích Trí Thủ).

This entry was posted in . Bookmark the permalink.