Nếu mình để cho những hạt giống không dễ thương, những hạt giống của giận hờn, ganh tỵ, ích kỷ, hơn thua… có cơ hội phát sinh thì mình nhìn đâu cũng thấy “phân bò” hết. Ngược lại, nếu mình biết nuôi dưỡng và phát triển những hạt giống từ, bi, hỷ, xả, những hạt giống thương yêu, cảm thông, tha thứ… thì mình nhìn ai cũng thấy dễ thương, nhìn đâu cũng thấy Tịnh độ, thấy Phật.
Một hôm, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn chơi với Thiền sư Phật Ấn cả ngày. Hai người đối nhau luận Thiền, Đông Pha hỏi Phật Ấn:
– Ngài thấy tôi thế nào?
– Rất trang nghiêm, giống một ông Phật!
Tô Đông Pha nghe nói vô cùng phấn khởi. Phật Ấn lại hỏi Tô Đông Pha:
– Ông thấy ta ra sao?
Đông Pha thấy Phật Ấn mập tròn, lại mặc áo đen, bèn đáp ngay:
– Giống một đống phân bò!
Phật Ấn không nói gì. Đông Pha cho rằng mình đã thắng một keo, lòng rất sung sướng, về nhà hớn hở nói với Tô tiểu muội:
– Này muội muội, hồi nào tới giờ anh bị Ấn lão cho đo ván mãi, đấu không lại ông ta. Không biết hôm nay Hòa thượng trở cờ hay học sĩ này gặp may mà Ấn lão không còn lời để nói, không có lý để trình đấy.
Nói rồi bèn thuật lại chuyện luận chiến vừa qua. Tô tiểu muội thiên tư hơn người, tài hoa xuất chúng, nghe ca ca kể xong câu chuyện, liền nói:
– Xì, anh thua đậm rồi!
Đông Pha tức quá mắng :
– Ta làm sao lại thua? Nếu ta thua sao ông ấy không nói một lời nào?
Tô tiểu muội nói:
– Này ca ca, tôi xin hỏi anh, Phật quý hay phân bò quý?
Đông Pha nói:
– Đương nhiên là Phật quý rồi!
Tô tiểu muội nói:
– Phật là Ấn lão thấy, còn phân bò là anh thấy, thế có phải là anh bị đánh úp không? Ấn lão đắc thắng hoàn toàn, còn gì để nói nữa!
Đông Pha nghe tiểu muội nói thế, như bong bóng xì hơi, biết rằng bị rơi vào tròng của Phật Ấn, thua một keo nặng.
—o0o—
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Trong tâm thức của con người chứa đựng rất nhiều hạt giống. Có những hạt giống dễ thương nhưng cũng có rất nhiều hạt giống không dễ thương; có những hạt giống làm Phật nhưng cũng có rất nhiều hạt giống làm chúng sanh. Nếu mình để cho những hạt giống không dễ thương, những hạt giống của giận hờn, ganh tỵ, ích kỷ, hơn thua… có cơ hội phát sinh thì mình nhìn đâu cũng thấy “phân bò” hết. Ngược lại, nếu mình biết nuôi dưỡng và phát triển những hạt giống từ, bi, hỷ, xả, những hạt giống thương yêu, cảm thông, tha thứ… thì mình nhìn ai cũng thấy dễ thương, nhìn đâu cũng thấy Tịnh độ, thấy Phật.
Cho nên, “tâm thế nào thì nhìn ra thế ấy”, “Thương người thương cả lối đi, ghét người ghét cả tông chi họ hàng”. Đó, cũng cái tâm ấy, khi có tình thương thì ngay cả lối đi mình cũng thấy đẹp, thấy thương, nói chi nhìn thấy người ta cười! Vậy mà khi không thương nữa, lúc đã ghét rồi, thì đâu chỉ người ấy đáng ghét, cả bà con của người ta cũng trở thành người xấu.
Vì vậy, người học Phật phải biết nuôi dưỡng, làm lớn mạnh tình thương và sự hiểu biết trong tâm mình. Khi tâm mình có năng lượng từ bi và trí tuệ, nó sẽ làm tươi mát đời sống của tự thân và đem đến cho mọi người xung quanh niềm an lạc, hạnh phúc. Khi ấy nhìn đâu mình cũng có thể thấy hoa, dù khi hoa đang là rác.
Học Phật, luận Thiền không phải để tranh cao thấp, hơn thua, mà để chuyển hóa nội tâm. Khi tiếp xúc với mọi người, nguyện tiếp xúc và khơi dậy những hạt giống thương yêu, hiểu biết, từ bi hỷ xả. Đó là mình đang nuôi dưỡng nhau, để xây dựng một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Nhìn vào cái xấu của nhau, thì chẳng có ích lợi gì, mà còn thêm mệt. Rõ ràng khi mình phê bình ai, giận hờn ai, sẽ thấy mệt vô cùng.
Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu mình biết nhận thức theo chiều hướng tích cực, mọi người sẽ dễ thương hơn nếu mình biết khơi dậy và nuôi dưỡng hạt giống thương yêu, hiểu biết. “Tâm tịnh là cõi Phật”, đó là bí quyết để xây dựng Tịnh độ.
Comments are closed.