Bạch Khởi

● (?-257 trước Công nguyên), còn gọi là Công Tôn Khởi, người My Huyện, là danh tướng nước Tần thời Chiến Quốc, rất hiếu sát. Nổi danh với tài thao lược và hiếu sát đến nỗi người thời ấy gọi Bạch Khởi là “nhân đồ” (gã đồ tể giết người). Làm tướng suốt ba mươi mấy năm, đánh hạ bảy mươi mấy thành, tàn sát cả trăm vạn địch quân, được phong tước Vũ An Quân. Năm thứ 34 đời Tần Chiêu Vương (263 trước Công Nguyên), Bạch Khởi dẫn quân Tần đánh tan liên quân Triệu – Ngụy tại Hoa Dương (nay là Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam), chém đầu năm mươi vạn quân. Năm 37 đời Tần Chiêu Vương (260 trước Công Nguyên), Bạch Khởi vây đánh Trường Bình, bắn chết tướng nước Triệu là Triệu Quát. Quân Triệu bị vây đánh lâu ngày, thiếu lương ăn phải ra hàng, số tù binh lên đến hơn bốn mươi lăm vạn. Bạch Khởi cho bọn hàng binh ăn uống no say rồi ngầm sai quân Tần dùng khăn trắng bịt đầu, dặn: “Thấy đứa nào không bịt khăn trắng cứ chém giết thẳng tay!” Trong một đêm, bốn mươi lăm vạn hàng binh nước Triệu bị giết sạch, chỉ còn khoảng hai trăm bốn mươi tên lính giữ ngựa thoát được, trốn về nước Triệu báo tin. Sử chép: “Khi ấy máu chảy vang tiếng long tong, nước khe Dương Cốc đỏ au, đến nay con suối ấy vẫn còn mang tên Đan Thủy. Bạch Khởi cho thu thập đầu lâu của lính Triệu, dựng thành đài trên núi, đặt tên là Bạch Khởi Đài”. Năm 44 đời Tần Chiêu Vương (257 trước Công Nguyên), vua Tần vây Hàm Đan của nước Triệu nhưng không chiếm được thành, vua Tần sai Bạch Khởi ra đánh. Thấy trận đánh dằng dai lâu ngày, quân Tần đã nhiều phen thất bại, không thể nào đánh thắng được, Bạch Khởi cáo bệnh không ra. Vua Tần đành sai Vương Lăng lãnh quân đánh suốt năm tháng không thắng, lại sai Bạch Khởi cầm quân. Bạch Khởi vẫn giả bệnh từ chối, vua Tần giận dữ, cách tuột quan chức của Bạch Khởi, giáng xuống làm lính trơn, đuổi khỏi kinh đô Hàm Dương. Khi Bạch Khởi đi đến Đỗ Bưu (nay thuộc huyện Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây), vua Tần sai sứ mang gươm đến buộc Bạch Khởi tự sát. Đường cùng, Bạch Khởi đành tự sát.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.