Bát Nhã

● (Prajna), có nghĩa là trí tuệ, là chủ đề các bộ kinh Đại Thừa quan trọng thuộc văn hệ Bát Nhã. Hai bộ kinh Bát Nhã ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Việt Nam là kinh Kim Cương và Bát Nhã Ba La Mật đa Tâm kinh (gọi tắt là Tâm kinh).

● Trí Độ Luận nêu ra ba thứ Bát Nhã: Thật Tướng Bát Nhã, Quán Chiếu Bát Nhã và Văn Tự Bát Nhã.

● (734-?), là một vị cao tăng Dịch Kinh đời Đường, đôi khi còn được phiên âm là Bát Lạt Nhã (Prajñā), người nước Kế Tân ở Bắc Ấn Độ, họ Kiều Đáp Ma (Gotama), xuất gia năm bảy tuổi, năm 20 tuổi thọ Cụ Túc, năm 23 tuổi đến chùa Na Lan Đà ở Trung Ấn theo học với các vị Trí Hộ, Tấn Hữu, Trí Hữu v.v… chuyên nghiên cứu Duy Thức, Du Già, Trung Biên, Kim Cang Kinh, Ngũ Minh v.v… Năm Kiến Trung thứ hai (781) đời Đường Đức Tông, Sư đến Trường An. Năm Trinh Nguyên thứ tư (788), Sư dịch bộ Đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật Đa Kinh, năm sau lại dịch các ấn khế, chân ngôn, pháp môn từ trong Mật Tạng. Tháng bảy năm Trinh Nguyên thứ sáu (790), phụng chiếu đi sứ nước Ca Thấp Di La (Kashmir). Không lâu sau, Sư được sắc phong danh hiệu Bát Nhã Tam Tạng và được ban ca-sa tía. Sau đó, Sư dịch các bộ Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Tứ Thập Hoa Nghiêm, Đại Thừa Bản Tánh Tâm Địa Quán Kinh, Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni Kinh v.v… Sư mất tại Lạc Dương, di thể chôn ở Tây Cương, Long Môn, không rõ thọ được bao nhiêu tuổi.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.