Bất Thối Chuyển

● Bất thối (bất thối chuyển): Trong thuật ngữ Phật học, chữ “thối” có nghĩa là đọa lạc trở lại vào các đường ác, hoặc thối lui xuống hàng nhị thừa (Thanh-văn và Duyên-giác); tức là, địa vị Bồ-tát đã chứng được và những pháp đã ngộ được đều bị mất đi. Trái lại, trong quá trình tu hành Phật đạo, do công đức chứng ngộ mà tiến lên mãi cho đến khi thành Phật, không còn bị thụt lùi trở lại, gọi là “bất thối”. Có ba phương diện không thối lui (tam bất thối):

1) Địa vị không thối lui (vị bất thối): Từ khi phát tâm tin chắc lý Ðại Thừa, trải muôn kiếp tu nhơn vào bực Thập trụ rồi không còn thối đọa trong đường sanh tử nữa.

2) Hạnh không thối lui (hạnh bất thối): Ðã vào bực Sơ Ðịa, các công hạnh đã tu tập thì cứ giữ mãi để tiếp tục tu tập, không bỏ mất.

3) Chánh niệm không thối lui (niệm bất thối): từ bực Bát địa nhẫn lên đặng Diệu trí vô công dụng, thường xuyên sống trong chánh niệm, không bao giờ còn bị lạc vào sự lãng quên. Ví dụ, tông Pháp Tướng chủ trương: Khi đã trải qua hàng vạn kiếp tu nhân, đến được địa vị Mười-trụ thì không còn bị đọa lạc trở lại vào vòng sinh tử đầy ác nghiệp, đó là “vị bất thối”; khi đã lên được bậc Sơ-địa thì hạnh lợi tha đã trở nên kiên cố, không còn bị thụt lùi hay mất mát, đó là “hạnh bất thối”; từ Bát-địa trở lên, chánh niệm như hòa nhập vào biển chân như, dù ở trong định hay ở ngoài định, vẫn hằng thường tự tại, đó là “niệm bất thối”. Ngoài ra, tông Tịnh Độ còn chủ trương, khi hành giả được vãng sinh về Tịnh-độ thì từ đó sẽ tu tiến mãi cho đến khi thành Phật, không còn bị đọa lạc trở lại, đó gọi là “xứ bất thối”

This entry was posted in . Bookmark the permalink.