Đàm Vô Sấm

● (Dharmaraksa, 385-433, đôi khi còn phiên là Đàm Ma La Thức, Đàm Ma Sám, Đàm Mô Sấm, Đàm La Vô Sấm, dịch nghĩa là Pháp Phong): là vị cao tăng dịch kinh ở triều đại Bắc-Lương (397-439). Ngài là người Trung-Ấn, xuất thân từ dòng Bà-la-môn. Lúc đầu ngài học giáo pháp tiểu thừa, giỏi cả ngũ minh, có tài giảng thuyết, ứng đối khéo léo. Về sau ngài gặp được thiền sư Bạch Đầu, được trao cho kinh Đại Bát Niết Bàn chép trên vỏ cây. Xem xong, ngài tự thấy hổ thẹn, bèn chuyển hướng chuyên học giáo pháp đại thừa. Năm 20 tuổi ngài đã tụng đến hơn 200 vạn câu kinh cả tiểu lẫn đại thừa. Ngài lại giỏi cả chú thuật, rất được vua kính trọng, lại được người đương thời xưng là “Đại Chú sư”. Sau, ngài đã mang 5 phẩm đầu của kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Bồ Tát Giới và Bồ Tát Giới Bản sang nước Kế-tân, rồi sang nước Qui-tư, nhưng những nơi này phần đông người ta học theo tiểu thừa, nên ngài lại tiến về hướng Đông, xuyên qua nước Thiện-thiện (tức huyện Thiện-thiện, tỉnh Tân-cương ngày nay), và vào Đôn-hoàng. Năm 412, Hà-tây vương (vua nhà Bắc-Lương) Thư-cừ Mông Tốn đã nghinh đón ngài về ở Cô-tàng, tiếp đãi trọng hậu. Ngài ở đó học Hán ngữ 3 năm, rồi bắt đầu phiên dịch phần đầu của kinh Đại Bát Niết Bàn, hai vị Huệ Tung và Đạo Lãng giữ nhiệm vụ Bút Thọ. Vì kinh này còn thiếu sót, nên sau đó ngài sang nước Vu-điền, và đã tìm được phần còn thiếu của kinh này. Ngài trở về lại Cô-tàng và dịch tiếp, trước sau được 36 phẩm (nhưng vẫn còn thiếu phần chót). Cũng trong thời gian này, đáp ứng lời thỉnh cầu của chư tăng, trước sau ngài đã dịch các kinh luật khác như Phương Đẳng Đại Tập Kinh, Kim Quang Minh Kinh, Bi Hoa Kinh, Bồ Tát Địa Trì Kinh, và Bồ Tát Giới Bản.

Bấy giờ, vua Thái-vũ đế (424-452) nhà Bắc-Ngụy (386- 534), nghe tiếng ngài giỏi về chú thuật, bèn cho sứ giả đến nghinh thỉnh. Mông Tốn sợ ngài sẽ vì vua Bắc-Ngụy mà dùng chú thuật hại mình, nên nhân lúc ngài đi Tây-vức để tìm nốt phần cuối của kinh Niết Bàn (phần này về sau đã do ngài Nhã Na Bạt Đà La, đời Đường, dịch thành 2 quyển, gọi là Đại Bát Niết Bàn Kinh Hậu Phần), ông đã cho thích khách hại ngài ở giữa đường. Lúc đó ngài mới được 49 tuổi.

Bản kinh Đại Bát Niết Bàn do ngài dịch, người đời gọi là Bắc Bản Niết Bàn Kinh (gồm 40 quyển, hiện đang lưu hành). Sau khi dịch xong, bản kinh này đã được truyền xuống phương Nam (nhà Tống). Các ngài Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán và Tạ Linh Vận đã đem nó đối chiếu với bản Đại Bát Nê Hoàn Kinh (6 quyển) do ngài Pháp Hiển dịch, tăng thêm số phẩm, sửa sang thành 25 phẩm, gồm 36 quyển, xưa nay vẫn gọi đó là Nam Bản Niết Bàn Kinh. Trong Tạng Đại Chánh, quyển 12, bản do ngài Pháp Hiển dịch được ghi số 376, mang tên là Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn Kinh (6 quyển); bản Bắc do ngài Đàm Vô Sấm dịch được ghi số 374, mang tên là Đại Bát Niết Bàn Kinh (40 quyển); và bản Nam do ngài Tuệ Nghiêm v.v… trùng tu được ghi số 375, mang tên Đại Bát Niết Bàn Kinh (36 quyển).

This entry was posted in . Bookmark the permalink.