Đất Trần

● Theo Sử Ký, do thấy Lỗ Định Công hôn ám, ham mê nữ sắc, Tam Hoàn (ba gia đình hoàng tộc nước Lỗ) thừa cơ lũng đoạn triều chánh, Khổng Tử liền từ chức Đại Tư Khấu nước Lỗ, chu du các nước Vệ, Tào, Trịnh, Trần, Sái, Sở, Tống. Khi đó, do nước Ngô xua binh đánh nước Trần, nước Sở phái quân sang cứu. Đến biên giới đất Trần, Sở Chiêu Vương phái người thỉnh Khổng Tử đến gặp, Khổng Tử liền chuẩn bị rời đất Trần. Các quan đại phu nước Trần và Sái sợ nước Sở trọng dụng Khổng Tử, bèn vây hãm Khổng Tử tại cánh đồng giáp ranh biên giới Trần và Sái. Do đường không đi được, Khổng Tử và môn đệ phải nhịn đói suốt bảy ngày. Môn đệ nhiều người đói rũ, không dậy nổi, nhưng Khổng Tử vẫn thản nhiên. Về sau, Tử Cống trốn được, báo tin cho Sở Chiêu Vương, Sở Chiêu Vương bèn phái người đưa Khổng Tử ra khỏi đất Trần. Trần là một nước chư hầu nhỏ đời Châu. Người sáng lập đất Trần là Quy Mãn, hậu duệ của vua Thuấn. Sau khi phạt Trụ thành công, Châu Vũ Vương đã phong cho Quy Mãn làm Hồ Công, ban cho thái ấp ở đất Trần, nên từ đó, Quy Mãn được ban họ theo tên đất là Trần, lại được Châu Vũ Vương gả con gái là Thái Cơ cho. Nước Trần thuộc huyện Hoài Dương tỉnh Hà Nam, đóng đô tại Uyển Khâu, tiếp giáp các nước Sái, Kỷ, Tống, Sở và Từ. Trần bị diệt vong khi Ngô vương Phù Sai tấn công đoạt mất ba thành vào năm thứ ba mươi (năm 489 trước Công Nguyên) đời Trần Mẫn Công, Trần Mẫn Công cầu cứu Sở. Sở phái quân sang cứu, rồi Sở Huệ Vương thừa cơ sát nhập nước Trần vào lãnh thổ của Sở vào năm 478 trước Công Nguyên. Nước Trần biến mất từ đó.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.