Đề Bà Đạt Đa

● (Devadatta), đôi khi còn phiên âm là Địa Bà Đạt Đa, Đề Bà Đạt Đâu, hoặc gọi tắt là Điều Đạt, dịch nghĩa là Thiên Nhiệt, Thiên Thọ, Thiên Dữ. Ông là con của Hộc Phạn Vương (em trai vua Tịnh Phạn), là anh ruột của A Nan. Từ lúc nhỏ, khi học các kỹ thuật bắn tên, cưỡi ngựa, toán pháp… chung với đức Phật và Nan Đà (em cùng cha khác mẹ của đức Phật, con bà Kiều Đàm Di), ông luôn tỏ ra ganh tỵ, luôn tìm cách vượt trội hai người. Đến khi đức Phật thành đạo, ông xin theo xuất gia, trong suốt hai mươi năm thiện tâm tu hành, siêng ròng không lười nhác, do chưa đắc quả A La Hán bèn ngã lòng, sanh ý niệm ác, muốn học thần thông để được lợi dưỡng. Không được đức Phật chấp thuận, ông tìm đến Thập Lực Ca Diếp xin học thần thông. Ông rất được thái tử A Xà Thế tin tưởng, kính phục. Do vậy, Đề Bà Đạt Đa càng thêm kiêu mạn, liên kết với A Xà Thế tìm cách hãm hại để giành quyền lãnh đạo Tăng đoàn. Vì thế, Đề Bà Đạt Đa bèn dẫn năm trăm đồ chúng tách rời Tăng đoàn, tự xưng là đại sư, chế định năm pháp, dối xưng hành theo năm cách ấy sẽ mau chóng đạt tới Niết Bàn. Ông ta đã phá hòa hợp Tăng, lại xui A Xà Thế giết cha, tính dùng thế lực của tân vương để hại Phật ngõ hầu chính mình sẽ trở thành pháp vương. Ông sai năm trăm người cầm nỏ đá bắn Phật nhưng không thành công. Ông lại đích thân lăn một tảng đá to từ đỉnh núi Kỳ Xà Quật xuống để mưu giết chết Phật, nhưng do thần Kim Tỳ La dùng chày Kim Cang đánh nát hòn đá nên chỉ một mảnh đá nhỏ văng trúng chân Phật, chảy máu. Ông lại sai người đem voi say toan giẫm chết Phật tại thành Vương Xá, nhưng voi vừa trông thấy Phật liền tỉnh rượu, mọp đầu quy y. Trong khi ấy, hai vị Xá Lợi Phất và Mục Liên dùng biện tài khiến cho năm trăm đệ tử của Đề Bà tỉnh ngộ trở về với Phật, A Xà Thế cũng được Phật giáo hóa, tỉnh ngộ, sám hối, quy y. Đề Bà Đạt Đa tức tối, tìm cớ đánh chết tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc, nhuốm chất độc vào mười móng tay, giả vờ đến đảnh lễ để cào chân Phật, nhưng chân Phật nghiễm nhiên không bị tổn hại, còn Đề Bà Đạt Đa rụng sạch mười ngón tay. Đất liền nứt ra, đọa thẳng vào địa ngục A Tỳ. Tuy vậy, theo kinh điển Đại Thừa, đây là những nghịch hạnh do Điều Đạt thị hiện để Phật có cơ hội chế giới và hóa độ những kẻ tà kiến, ngũ nghịch, Thập Ác. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật từng nói rõ nhân duyên: Trong quá khứ, Đề Bà Đạt Đa là tiên nhân biết được pháp Đại Thừa, Phật là một vị quốc vương đã bỏ ngôi vua theo hầu hạ tiên nhân để cầu pháp và học kinh Diệu Pháp Liên Hoa nơi vị tiên nhân ấy. Phật cũng thọ ký Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương Như Lai.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.