● (600-664, có thuyết nói 602-664): là vị cao tăng đời Sơ Đường. Ngài quê ở huyện Câu Thị, Lạc Châu (nay là huyện Yển Sư, Hà Nam), họ Trần, tên Huy.
Ngài thuộc gia đình vọng tộc, ông cố là Trần Khâm làm quan Thái Thú vùng Thượng Đảng thời Đông Ngụy, ông nội là Trần Khang làm quan Quốc Tử Bác Sĩ nhà Bắc Tề, cha là Trần Huệ làm huyện lệnh Giang Lăng đời Tùy. Khi Ngài sanh ra, cha đã từ quan, cõi đời loạn lạc, gia cảnh suy sút. Ngài có ba người anh, người anh thứ hai là Trần Tố, đã xuất gia trước đó tại chùa Tịnh Trụ ở Lạc Dương, pháp hiệu là Trường Tiệp. Vị này có tài giảng kinh nên người đương thời thường gọi là pháp sư Trưởng Kiện. Bởi vậy, ngay từ thuở nhỏ ngài đã theo anh học tập kinh điển; thêm vào đó, ngài còn học khắp các điển tịch của Nho và Đạo gia. Năm 612, nhân có đàn giới độ tăng được tổ chức tại Lạc-dương, ngài vào xin xuất gia. Thấy ngài tuổi tuy còn nhỏ mà ứng đối xuất chúng, chư vị cao tăng rất quí trọng, cho là pháp khí của Phật pháp, bèn phá lệ cấp tăng tịch, chấp nhận cho ngài được chính thức làm sa di. Cấp Độ điệp cho theo học kinh Niết Bàn với ngài Huệ Cảnh. Thế là từ năm 13 tuổi, ngài đã được theo anh cùng ở chùa Tịnh-độ, và theo học kinh luận với các pháp sư Nghiêm, Huệ Cảnh. Thời gian giữa nhà Tùy và nhà Đường, thiên hạ đại loạn, ngài theo anh kinh lịch khắp các xứ Lũng, Thục, Kinh, Triệu, v.v… gần như trọn một nửa nước Trung-hoa, để tham học với các bậc kì túc ở các chốn tòng lâm. Năm 622 ngài thọ đại giới, rồi tiếp tục học khắp Ba Tạng.
Do học rộng các kinh điển đương thời, ngài thường than rằng các sư giảng không đồng nhất, thánh điển ghi chép cũng khác nhau, nên quyết chí phát nguyện sang Thiên Trúc cầu kinh sách Phật hầu giải quyết mối nghi.
Năm 629 ngài rời Trường-an lên đường Tây du, theo con đường phía Bắc rặng Thiên-sơn (phía Bắc tỉnh Tân-cương ngày nay), trải 3 năm, một mình vượt bao gian nan nguy hiểm, xuyên qua A-phú-hãn, ngài tiến vào biên thùy phía Tây Bắc Ấn-độ, rồi theo hướng Đông Nam tiến về nước Ma-kiệt-đà ở miền Trung-Ấn; bấy giờ là năm 631. Vào thời bấy giờ, chùa Na-lan-đà (Nalanda) ở Ma- kiệt-đà, do đại luận sư Giới Hiền (Silabhadra) chủ trì, là một đạo tràng căn bản, rộng lớn của nền giáo học Phật giáo đại thừa, là nơi qui tụ của nhiều vị danh tăng thạc đức, với hàng ngàn tăng sinh từ bốn phương tụ tập về tu học. Ngài Huyền Trang đã xin vào lưu trú tại đây, và trở thành môn hạ của ngài Giới Hiền. Tại đây, trải qua 5 năm, ngài đã nghiên cứu khắp các bộ luận căn bản của đại thừa như Du Già Sư Địa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Đại Tì Bà Sa Luận, Câu Xá Luận, Thuận Chánh Lí Luận, Đối Pháp Luận, Nhân Minh Luận, Bách Luận, Trung Luận, v.v… Sau đó, ngài tuần du khắp các nước ở Ấn-độ, tới đâu ngài cũng được các vua quan địa phương đón tiếp nồng hậu. Trên đường đi, ngài đã sưu tầm được rất nhiều nguyên bản Phạn văn của các kinh luận tiểu và đại thừa, luôn cả các sách triết học ngoại đạo; thỉnh được rất nhiều xá lợi và hình tượng Phật.
Năm 641, Sau 7 năm, ngài lại trở về học viện Na-lan-đà, vâng mệnh ngài Giới Hiền, ngài đã thuyết giảng hai bộ luận Nhiếp Đại Thừa và Duy Thức Quyết Trạch. Nhưng ngài Sư Tử Quang (Simha-rasmi) lại giảng Trung và Bách Luận để phản bác luận thuyết của ngài. Ngài bèn dung hòa hai tông Trung Quán và Du Già, viết nên bộ Hội Tông Luận, gồm 3.000 kệ tụng, để hóa giải sự bài xích kia. Ngài lại viết bộ Phá Ác Kiến Luận, gồm 1.600 kệ tụng, để đả phá bộ Phá Đại Thừa Luận của vị luận sư tiểu thừa ở nước Ô-trà.
Nhân đó mà tên tuổi của ngài vang khắp các nước, được Giới Nhật vương (Siladitya, tức Giới Nhật vương đệ nhị thế của nước Yết-nhã-cúc-xà, lên ngôi năm 610) cùng các vua khác đua nhau kính lễ.
Năm 643,bấy giờ ngài đã 42 tuổi, ý muốn trở về Trung-quốc. Vua Giới Nhật bèn tổ chức một đại pháp hội tại thành Khúc-nữ (kinh đô nước Yết-nhã-cúc-xà, nay là xứ Kanauji ở bờ Đông sông Kali, một chi lưu của sông Hằng ở Tây Bắc Ấn-độ), với sự tham dự của các vua 18 nước ở khắp lãnh thổ Ấn-độ lúc bấy giờ, cùng sự hiện diện của hơn 7.000 chư tăng tiểu, đại thừa và giáo sĩ Bà-la-môn. Trong pháp hội này, ngài Huyền Trang đã được Giới Nhật vương mời làm vị luận chủ để tranh luận và xiển dương giáo pháp đại thừa. Ngài bèn đề xuất luận văn “Chân Duy Thức Lượng”, treo ngay ngoài cửa hội trường để làm cơ sở tranh luận. Vua Giới Nhật ghi dưới bản văn : ‘Nếu ai nhận thấy một chữ sai lầm, trẫm xin cắt đầu mình tạ lỗi’. Không một ai tìm được chỗ sơ sót nào trong bản luận ấy.
Trải qua 18 ngày mà không một nhà luận sư nào viết bài vấn nạn hay bắt bẻ được. Do vậy, ngài hóa độ được rất nhiều người trở về Ðại Thừa. Thế là đại pháp hội hoàn mãn, Giới Nhật vương vô cùng sùng kính, và cả 18 vị quốc vương đều xin qui y làm đệ tử ngài. Tên tuổi ngài làm chấn động khắp lãnh thổ Ấn-độ, phái đại thừa thì tôn ngài là “Đại thừa thiên”, phái tiểu thừa thì tôn ngài là “Giải thoát thiên”. Sau đó, ngài quyết định giã từ Ấn-độ để về nước, Giới Nhật vương cố lưu thế nào cũng không được, bèn cùng với 18 vị quốc vương tổ chức đại hội vô già trong suốt 75 ngày, để cúng dường và tiễn ngài lên đường. Đó là năm 643, ngài chính thức từ biệt các vị quốc vương, đi về hướng Tây Bắc, qua A-phú-hãn, tiến về Đông vào Sớ-lặc, rồi theo con đường phía Nam rặng Thiên-sơn (phía Nam tỉnh Tân-cương ngày nay) để về Trường-an mang về Tàu 657 bộ kinh tiếng Phạn.
Đó là năm 645, tức 17 năm sau ngày xuất hành. Vua Đường Thái-tông (627-649) cùng bá quan văn võ đã nghinh đón ngài vào hoàng thành vô cùng trọng thể. Vua Thái-tông (và cả Cao-tông sau này) đã ban tặng ngài tôn hiệu Tam Tạng Pháp Sư, thỉnh ngài ở luôn trong đại nội để được thường xuyên cúng dường. Đã hai lần vua Thái-tông khuyên ngài bỏ đời sống tu hành để giúp việc triều chính, nhưng ngài dứt khoát chối từ, quyết giữ chiếc áo cà sa để phụng sự Đạo Pháp. Không thể làm sao hơn, nhà vua chỉ còn biết tôn trọng ý chí của ngài, và một lòng trợ giúp ngài trong việc phiên dịch kinh điển. Ban đầu nhà vua mời ngài trú tại chùa Hoằng-phúc, sau lại xây viện Dịch-kinh ở chùa Đại-từ-ân, sau nữa là chùa Tây-minh và cung Ngọc-hoa; đều là những nơi ngài ở để dịch các kinh luận mà ngài đã mang về từ Thiên-trúc. Ngài viên tịch vào năm 664 tại cung Ngọc-hoa, thế thọ 65 tuổi. Vua Cao-tông (650-683) rất mực thương tiếc, bãi triều 3 ngày để làm lễ quốc táng ngài, cùng truy tặng đạo hiệu là Đại Biến Giác.
Môn đệ của ngài đông tới mấy ngàn người, trong đó, các ngài Khuy Cơ, Viên Trắc, Phổ Quang, Pháp Bảo, Tôn Triết, Đạo Chiêu, v.v… là những nhân vật rất quan trọng. Riêng ngài Khuy Cơ (cũng gọi là Từ Ân đại sư) đã được coi là vị đệ tử thượng thủ của ngài, đã cùng với ngài lập nên tông Pháp Tướng để truyền bá tư tưởng Duy Thức ở Trung-quốc và các nước vùng Đông-Nam-Á. Về sự nghiệp dịch kinh của ngài, suốt trong 20 năm (645-664), trải từ triều Thái-tông sang triều Cao Tông, ngài đã dịch được tất cả 75 bộ kinh luận, gồm 1.335 quyển; trong đó, bộ kinh Đại Bát Nhã (600 quyển), bộ luận Đại Tì Bà Sa (200 quyển) và bộ luận Du Già Sư Địa (100 quyển), là đồ sộ hơn hết. Có thể nói, tất cả sở học của ngài ở Ấn-độ, đều được truyền hết về Trung-quốc. Tất cả công trình phiên dịch của ngài đều được triều đình bảo hộ, coi đó là sự nghiệp của quốc gia; bởi vậy, dịch trường của ngài đã được tổ chức thật qui mô, trật tự, lại được rất nhiều bậc danh tăng và quần thần tham gia. Về phương pháp phiên dịch, ngài chủ trương dịch sát nghĩa (chữ nào nghĩa nấy), thật trung thành với nguyên văn, khác với cách dịch cốt “đạt ý” ở thời trước như ngài Cưu Ma La Thập, v.v… mà chủ trương dịch sát từng chữ với nguyên bản, cũng như nguyên tắc ngũ chủng bất phiên (năm loại không dịch mà chỉ phiên âm). Phương pháp này trở thành nguyên tắc dịch kinh mẫu mực cho đời sau. Vì vậy, các nhà dịch kinh đời sau thường lấy thời đại của ngài làm mốc, gọi kinh điển được dịch từ ngài Huyền Trang trở về sau là “tân dịch” (theo lối dịch mới); trước đó là “cựu dịch” (theo lối dịch cũ).
Ngoài sự nghiệp phiên dịch vĩ đại ấy, ngài còn soạn bộ Đại Đường Tây Vức Kí (12 quyển), trong đó ghi chép tất cả những sự kiện về địa lí, lịch sử, tôn giáo, truyền thuyết, thần thoại, nhân tình, phọng tục, v.v… của 138 quốc gia từ vùng Tây-vức sang Ấn-độ đến Tích-lan; trong số đó, có 110 quốc gia đã do chính bản thân ngài đã đi đến ở lại, thăm viếng, còn 20 quốc gia là do ngài được đọc tài liệu hoặc nghe kể lại. Đối với lịch sử Phật giáo, cũng như đối với nền văn hóa, sử địa cổ đại của vùng Tây-vức, Ấn-độ, Trung và Nam-Á, đồng thời, đối với những chứng liệu về lịch sử giao thông giữa Tây-vức và Trung-quốc, sách Đại Đường Tây Vức Kí này có một giá trị cực cao; bởi vậy, nó đã được các nhà học giả Đông, Tây đều coi trọng, trân quí. Thật ra, tác phẩm Đại Đường Tây Vức Kí này là do ngài Huyền Trang kể lại các sự việc mà ngài đã từng trải (trong đó có phần dịch lại những tài liệu ngài đã đọc hoặc đã nghe), rồi ngài Biện Cơ (?-?, một trong những vị cao tăng giữ nhiệm vụ “xuyết văn” trong dịch trường của ngài Huyền Trang) ghi chép, chỉnh đốn lại mà thành sách; đó là lí do tại sao mà trong Tạng Đại Chánh (quyển 51, số 2087), sách này đã được ghi là do “Đường Huyền Trang dịch, Biện Cơ soạn”.
Ngài thị tịch năm 664, thọ 63 tuổi, hiệu là Ðại Biến Giác.
Ðệ Tử nổi tiếng của ngài là pháp sư Khuy Cơ đã sáng lập ra Pháp Tướng Tông (Duy Thức tông, còn gọi là Từ Ân tông) dựa trên những bộ luận quan trọng của Ngài đã dịch như luận Thành Duy Thức, Duy Thức Tam Thập Tụng v.v..
Sau khi ngài viên tịch, vua Đường Cao-tông cho xây tháp thờ di cốt ngài ở Phàn-xuyên (huyện Trường-an, tỉnh Thiểm-tây). Về sau, khi Hoàng Sào khởi loạn chiếm Trường-an (năm 880), có người đã dời linh cốt của ngài xuống tận Nam-kinh để xây tháp thờ. Tháp này đến thời Thái-bình-thiên-quốc (1851-1864) thì bị hư hủy; từ đó mất dấu vết, không còn ai biết tới nữa. Đến thời kì Kháng-chiến Nhật Bản (1937-1945), người Nhật vào Nam-kinh, trong khi đào đất sửa đường, họ tìm thấy di cốt của ngài (1942), bèn đem về Nhật-bản thờ phụng. Sau Đại hội Phật giáo thế giới năm 1952, bộ phận xương sọ của ngài được giao trả về Đài-loan; năm 1961, ngôi chùa Huyền Trang đã được xây cất bên bờ đầm Nhật Nguyệt, tại huyện Nam-đầu, Đài-loan, để thờ linh cốt ấy của ngài.