Kiến Hoặc

● 見惑e: eighty-eight kinds of delusion of  views. Gọi đầy đủ là Kiến Đạo Sở Đoạn Hoặc (Darśana mārga prahātavyānuśaya). Còn gọi là Kiến Phiền Não, Kiến Chướng, Kiến Nhất Xứ Trụ Địa. Theo Câu Xá Luận, những kiến chấp mê muội đối với lý Tứ Đế được gọi là Kiến Hoặc; còn mê chấp nơi hiện tượng sự vật thì gọi là Tu Hoặc. Theo đó, Kiến Hoặc gồm tám mươi tám thứ, gọi chung là Bát Thập Bát Sử, còn tông Duy Thức của đại thừa thì lập ra 112 phẩm. Về căn bản phiền não thì gồm Ngũ Lợi Sử (Thân Kiến: Chấp trước vào thân; Biên Kiến: Chấp chặt một bên có hay không, đúng hay sai, không thấy viên dung; Tà Kiến: thấy biết tà vạy; Kiến Thủ Kiến: Chấp chặt vào kiến giải một chiều, không thể chấp nhận những cách hiểu biết khác; Giới Cấm Kiến: Chấp chặt vào giới điều, giữ những giới xằng bậy) và Ngũ Độn Sử (tham, sân, si, mạn, nghi). Mười Sử này phối hợp với mỗi Đế trong Tứ Đế và mỗi Giới trong Tam Giới (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới), tạo thành tám mươi tám thứ Hoặc cần phải đoạn.

Theo tông Thiên Thai, mê nơi lý của tam giới là Kiến Hoặc, mê nơi sự tướng gọi là Tư Hoặc (tức là Tu Hoặc của Câu Xá Luận). Sách Thiên Thai Tứ Giáo Nghi lại giảng như sau: “Phiền não vốn không có thực thể, nhưng lại tưởng những pháp hư vọng không hề có thật là thật sự có, nên gọi là Kiến Hoặc. Tham, sân, si… các phiền não là những sự tướng duyên theo Ngũ Trần, Lục Dục, qua sự suy nghĩ mà huyễn giả tồn tại trong tâm, vì thế gọi là Tư Hoặc”

This entry was posted in . Bookmark the permalink.