Luân Hồi

● Là dịch từ tiếng Phạn “samsara”. Các từ đồng nghĩa của nó là: sinh tử, sinh tử luân hồi, sinh tử tương tục, lưu chuyển, luân chuyển. Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, luân hồi mãi, hết sanh rồi tử trong 6 đường, lăn đi lộn lại mãi, hết xuống rồi lên, hết lên rồi xuống, cũng như cái bánh xe lăn tròn mãi không lúc nào thôi, mọi vật đều chịu chung một định luật Luân Hồi. Tất cả vạn vật thiên hình vạn trạng, không một vật nào thoát khỏi luân hồi. “Luân hồi” nguyên là một trong những giáo nghĩa chủ yếu của đạo Bà la môn vào thời cổ Ấn-độ. Về sau Phật giáo đã phát triển giáo nghĩa này và làm thành một giáo lí chủ yếu của mình. Như vậy, Bà la môn giáo và Phật giáo đều có giáo lí về “luân hồi”, nhưng nội dung của giáo lí ấy hoàn toàn khác nhau giữa hai tôn giáo. Giáo nghĩa “luân hồi” trong đạo Bà la môn nêu rõ rằng, bốn chủng tộc và dân hạ tiện trong xã hội Ấn-độ sẽ đời đời kiếp kiếp vẫn ở chủng tộc của họ, không hề thay đổi; có nghĩa, ai đã sinh trong chủng tộc Bà la môn, thì đời đời kiếp kiếp về sau cũng sẽ sinh trở lại trong chủng tộc Bà la môn; ai đã sinh trong dòng giống hạ tiện, thì đời đời kiếp kiếp về sau vẫn sinh trở lại trong dòng giống hạ tiện, không thay đổi. Trong khi đó, giáo lí “luân hồi” trong đạo Phật dạy rằng, trước nghiệp báo, mọi chúng sinh đều bình đẳng. Dù là dân hạ tiện ở đời này, nhưng biết tu tập nghiệp lành, thì ở kiếp lai sinh sẽ nhờ quả báo tốt mà sinh vào các dòng tộc cao cấp trong xã hội; thậm chí có thể sinh lên các cõi trời. Ngược lại, dù là ở chủng tộc cao quí trong đời này, mà chỉ chuyên tạo nghiệp ác, thì trong kiếp lai sinh tất sẽ sinh vào các dòng tộc hèn hạ, thậm chí có thể sa vào các chốn đau khổ cùng cực như địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Đặc biệt hơn nữa, đạo Phật dùng giáo lí “luân hồi” để nói lên tính chất của đời sống trong hai phương diện: đạo đức và lí thể. Về phương diện “đạo đức”, giáo lí luân hồi chỉ rõ rằng, vì chúng sinh bị các thứ phiền não độc hại như tham, sân si, v.v… ràng buộc, khiến tạo nên các nghiệp nhân đau khổ, nên cứ phải nhận chịu các nghiệp quả đau khổ nơi các cảnh giới đau khổ (tức ba cõi, hay sáu đường), đời đời kiếp kiếp, không thoát khỏi được. Nếu muốn thoát ra khỏi cái vòng khổ đau đó (tức ba cõi, hay sáu đường), chúng sinh phải biết hồi tâm tu tập, phải dứt trừ sạch hết vô minh phiền não. Được như vậy thì sự luân hồi tức khắc chấm dứt. Về phương diện “lí thể”, giáo lí luân hồi chỉ rõ cho mọi người thấy vạn pháp là bất sinh bất diệt, nhưng luôn luôn biến đổi không ngừng. Sự sinh tử (hay sinh diệt) xảy ra trong từng sát na ở trong con người và cả vạn vật, vậy mà xưa nay chưa hề có cái gì sinh ra và cái gì mất đi – chỉ là “lẩn quẩn” từ hình thức này sang hình thức khác mà thôi. Tóm lại, “luân hồi” là một trong các giáo lí căn bản của Phật giáo, được lấy từ trong giáo lí Bà la môn giáo, nhưng đã phát triển thành một chân lí, dùng để tu tập tiến đến giải thoát giác ngộ; trong khi đó, “luân hồi” trong Bà la môn giáo chỉ là một tín điều vô căn cứ (cuồng tín), một công cụ mà các giáo sĩ Bà la môn dùng để áp chế dân chúng mà thôi

This entry was posted in . Bookmark the permalink.