Mười Đại Nguyện

● Theo phẩm Thập Địa, kinh Hoa nghiêm, mười đại nguyện sau đây là của bồ tát sắp sửa bước vào Sơ Địa, tức bắt đầu dự vào hàng Thánh giả của đại thừa :

1.Nguyện cúng dường Phật : “Bằng tất cả mọi vật dụng cúng dường, cung kính cúng dường hết thảy chư Phật”;

2.Nguyện thọ trì chánh pháp : “Nguyện tiếp thọ Pháp Luân của hết thảy chư Phật; nguyện nhiếp thọ Bồ-đề của hết thảy chư Phật; nguyện thủ hộ giáo của hết thảy chư Phật; nguyện duy trì pháp của hết thảy chư Phật”;

3.Nguyện nhiếp pháp thượng thủ : “Nguyện trong tất cả thế gian, nơi nào có Phật xuất hiện, từ Đâu suất thác sanh, nhập thai, trụ thai, sơ sanh, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, thị hiện niết bàn, tôi thảy đều đi đến nơi đó, thân cận cúng dường, làm bậc thượng thủ trong đại chúng, thọ hành Chánh Pháp, vận chuyển khắp trong mọi thời, khắp trong mọi xứ”;

4.Tăng trưởng chúng sanh tâm hành : “Nguyện rằng, tất cả bồ tát hạnh, quảng đại, vô lượng, không hoại, không tạp, nhiếp các ba la mật, tịnh trị các địa, tổng tướng, biệt tướng, dị tướng, thành tướng, hoại tướng, tất cả bồ tát hạnh ấy, tôi đều giảng thuyết như thật, giáo hóa tất cả khiến cho tiếp thọ và hành trì, tâm được tăng trưởng”;

5.Thành tựu chúng sanh : “Nguyện rằng, tất cả chúng sanh giới, sắc hay vô sắc, tưởng hay vô tưởng, phi hữu tưởng phi vô tưởng, loài sanh bằng trứng, bằng thai, bằng ẩm thấp, bằng biến hóa, hệ thuộc ba cõi, ở trong sáu thú, tất cả sanh xứ, được thâu nhiếp trong danh và sắc, các chủng loại như vậy, vân vân, tôi đều giáo hoá đưa vào Phật pháp, để vĩnh viễn đoạn trừ tất cả cõi thú của thế gian cho được an trụ trong Nhất Thiết Trí đạo”;

6.Nguyện biết rõ thế giới : “Nguyện rằng, hết thảy thế giới, quảng đại, vô lượng, thô hay tế, loạn trụ, hay đảo trụ, hay chánh trụ, hoặc đến, hoặc đi, sai biệt như màng lưới đế thanh minh châu, mười phương vô lượng, đủ loại bất đồng, tôi được thấy rõ bằng trí, hiện tiền thấy biết”;

7.Nguyện tịnh Phật Quốc độ : “Nguyện rằng, hết thảy quốc độ, nhập vào một quốc độ, một quốc độ nhập vào hết thảy quốc độ, vô lượng cõi Phật, tất cả tôi đều làm cho thanh tịnh, làm rực sáng bằng các vật dụng để trang nghiêm, xa lìa hết thảy ô nhiễm, thành tựu đạo thanh tịnh, vô lượng chúng sanh có trí tuệ sung mãn ở trong đó, tất cả đều vào cảnh giới bao la của chư Phật, tùy theo tâm chúng sanh mà thị hiện, khiến cho hết thảy đều hoan hỉ”;

8.Nguyện không rời đồng hành : “Nguyện rằng, cùng với tất cả bồ tát đồng một chí hướng và hành động, không thù oán, không ganh tị, tích tụ các thiện căn, với tất cả Bồ Tát, cùng một duyên bình đẳng, thường cùng hội họp không rời bỏ nhau, tùy ý có thể hóa hiện đủ các Phật thân, tùy tâm có thể biết cảnh giới uy lực, trí của hết thảy Như lai, được bất thối Như Ý thần thông, du hành tất cả thế gian, hiện hình trong tất cả chúng hội, vào khắp tất cả chỗ thọ sanh, thành tựu bất tư nghị Đại Thừa, tu Bồ Tát hạnh”;

9.Nguyện ba nghiệp không cùng tận : “Nguyện nương theo bánh xe không thối lui, thực hành bồ tát hạnh, hành vi của thân, ngữ và ý đều không là những hành vi suông. Nếu chúng sanh nào chợt gặp tôi, mong cho quyết định Phật pháp, bất chợt nghe tiếng nói của tôi, liền được trí tuệ như thật, tịnh tín vừa sanh, tức thì vĩnh viễn đoạn trừ phiền não, được thân hình như gốc cây đại dược vương, được thân hình như Như Ý bảo, tu hành tất cả Bồ Tát hạnh.”;

10.Nguyện thành Bồ-đề : “Nguyện ở trong tất cả thế gian mà thành tựu giác ngộ tối thượng, không rời khỏi khoảng bằng đầu ngọn lông xíu mà thị hiện khắp tất cả mọi nơi, dù nhỏ bằng đầu lông xíu, sơ sanh, xuất gia, bước đến đạo tràng, thành chánh giác, chuyển Pháp Luân, nhập niết bàn, chứng đắc cảnh giới Phật, năng lực đại trí tuệ, ở trong mỗi một niệm, tùy tâm của tất cả chúng sanh mà thị hiện thành Phật, khiến cho được tịch diệt, bằng một niệm chánh giác mà biết tất cả pháp giới tức Niết Bàn tướng; bằng một âm thanh mà thuyết pháp khiến hết thảy chúng sanh đều sanh tâm hoan hỉ, thị hiện nhập đại Niết Bàn mà không đoạn tuyệt bồ tát hạnh; chỉ bày mặt đất đại trí tuệ; đặt vững tất cả pháp; bằng pháp trí thông, thần túc thông, huyễn thông, Tự Tại biến hóa sung mãn tất cả pháp giới.” (Tuệ Sỹ dịch)

This entry was posted in . Bookmark the permalink.