Năm Ấm

● Tức là năm uẩn. Chữ Hán “ấm” có nghĩa là che khuất, ngày xưa được các nhà “Cựu Dịch” dùng để dịch chữ Phạn “skandha”; vì quan niệm rằng, năm thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức che lấp chân tính, làm cho chúng sinh trôi lăn trong sinh tử luân hồi, cho nên năm thứ ấy được gọi là “năm ấm”. Nhưng chữ “skandha” cũng còn có nghĩa là chứa nhóm, và các nhà “Tân Dịch” quan niệm rằng, năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn không có tính che lấp, mà chúng chỉ tích tụ lại, hòa hợp lại để làm nên thân tâm con người; vì vậy, chữ Phạn “skandha” đã được dịch lại là “uẩn” (có nghĩa là tích tụ). Dù vậy, do thói quen, ngày nay hai từ “ngũ ấm” và “ngũ uẩn” vẫn được dùng song hành. Năm Ấm (năm uẩn) gồm có:

1.Sắc :chỉ chung cho thân thể của con người.

2.Thọ :là cảm giác sinh lí sinh ra khi các giác quan của thân thể tiếp xúc với đối tượng của chúng. Cảm giác có thể là dễ chịu (lạc thọ), khó chịu (khổ thọ), hoặc không dễ chịu cũng không khó chịu (xả thọ).

3.Tưởng :là tri giác, tức là sự nhận biết rõ ràng về đối tượng của nhận thức con người. Ví dụ, nhìn tượng Phật thì biết là tượng Phật, và tượng ấy bằng đồng, bằng gỗ, cao, thấp, v.v…; nghe tiếng chuông thì biết là tiếng chuông, và tiếng ấy trong, đục, bổng, trầm, v.v…; ngửi mùi nhang thì biết là mùi nhang, và mùi ấy thơm dịu, thơm gắt, v.v…

4.Hành: là “tâm hành”, tức là tất cả những hiện tượng tâm lí của con người. Duy Thức Học nói, có cả thảy 51 hiện tượng tâm lí – gọi là 51 tâm sở, trong đó có 2 uẩn thọ và tưởng ở trên; nhưng vì phạm vi hoạt động của thọ và tưởng quá quan trọng – gần như suốt ngày, lúc nào ta cũng sống với thọ và tưởng – nên ở đây hai hành này được tách riêng thành ra 2 uẩn, và 49 hành còn lại thì được gộp chung trong 1 uẩn là “hành uẩn”.

5.Thức : là căn bản thức, Duy Thức Học gọi là thức a-lại-da, chứa đựng chủng tử của vạn pháp.

Năm yếu tố kết hợp thành bản thân con người như trên chỉ là cách phân chia cho dễ thấy. Trong năm yếu tố đó thì yếu tố đầu (sắc) là vật chất, còn cả bốn yếu tố sau đều là tinh thần; vì vậy mà có chỗ chỉ phân chia con người làm hai phần, là danh (tinh thần, gồm cả bốn uẩn: thọ, tưởng, hành và thức) và sắc (thể xác, là sắc uẩn). Hai phần đó, nói theo cách thông thường tức là thân (sắc) và tâm (danh). Lại nữa, theo tinh thần Duy Thức Học thì thức (tức là tàng thức hay a-lại-da thức) là nơi sinh khởi ra mọi hiện tượng; cho nên rốt cuộc, năm uẩn cũng chỉ là một uẩn duy nhất mà thôi : đó là THỨC.

Mặt khác, khi ta nói về “bốn nguyên tố” (Tứ Đại : địa, thủy, hỏa, phong) cấu thành thân thể con người, thì cả bốn nguyên tố này đều thuộc về “sắc uẩn”. Khi ta nói đến “sáu nguyên tố” (lục đại : địa, thủy, hỏa, phong, không, thức) tạo thành bản thân con người thì năm nguyên tố đầu (địa, thủy, hỏa, phong, không) thuộc về sắc uẩn, còn nguyên tố thứ sáu (thức) thì bao gồm cả bốn uẩn là thọ, tưởng, hành và thức.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.