Nam Hóa

● (hàng hóa từ phương Nam). Thoạt đầu, chỉ có nghĩa là những sản vật từ phía Nam sông Dương Tử. Đến đời Gia Khánh nhà Thanh trở đi, do chánh sách bế quan tỏa cảng được nới lỏng, các hàng hóa từ ngoại quốc nhập vào Trung Hoa rất nhiều; từ ngữ “Nam Hóa” bèn được dùng để chỉ chung những sản phẩm hay dược phẩm nhập từ các nước thuộc phía Nam Trung Hoa như Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương v.v… Thậm chí những sản phẩm từ Phi Luật Tân hoặc Tây Phương nếu nhập từ những hải cảng ở miền Nam Trung Hoa như Quảng Châu, Hạ Môn, Phước Châu v.v… đều được gọi là Nam Hóa. Theo An Sĩ Toàn Thư vào cuối đời Minh, ở Dương Châu có một người mở tiệm bán hàng hóa nhập từ phương Nam rất giàu có. Lúc sắp chết, trăn trối với người con trai: “Cái cân này là vật báu gia truyền, đừng bỏ đi. Cán cân làm bằng Ô Mộc, khoét rỗng, bên trong đổ một ít thủy ngân. Khi cân cho ai thì dốc cho thủy ngân chảy về phía đĩa cân nên khách hàng bị thiệt; khi mua thì nghiêng cho thủy ngân chảy về đằng cán nên người bán hàng cho ta bị thiệt. Do vậy, ta mới làm giàu nhanh chóng”. Sau khi cha chết, người con nghĩ cha mình làm ăn thất đức, bèn đem cái cân chẻ ra, thấy trong ấy có một hòn máu đỏ tươi. Không lâu sau, hai đứa con trai của anh ta rất thông minh tuấn tú, tài học lẫy lừng cả vùng bỗng lăn ra chết tốt. Anh ta oán thán trời đất vô tri, nhân quả đảo điên, than khóc suốt ngày đêm. Một đêm, bỗng mộng thấy đến một tòa phủ nọ, viên phủ quan ngồi trên tòa nghiêm nghị bảo: “Cha ngươi có số giàu chứ không phải vì cân đong tráo trở mà giàu. Do lão ấy ôm lòng bất chánh nên Thượng Đế sai hai ngôi sao Phá Quân, Đại Hao giáng xuống làm con để phá sạch cơ nghiệp của lão. Đã hết sạch cơ nghiệp rồi còn đốt cho cháy trụi cả nhà cửa không còn sót gì. Nay do ngươi cải hối, nên trời triệu hai ngôi sao ấy về. Hãy gắng ăn ở công bình, tận lực làm lành, đừng nên oán hờn, sẽ có con hiền, rạng rỡ tổ tông”. Không lâu sau người ấy sanh được hai đứa con, về sau đều đỗ Tiến Sĩ.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.