Ngụy Nguyên

● (1794-1857), còn có tên là Nguyên Đạt, tự là Mặc Thâm, hiệu Lương Đồ, đến già đổi tên là Thừa Quán, người làng Kim Đàm, huyện Thiệu Dương, đỗ thứ hai trong kỳ thi Hương vào năm Đạo Quang thứ hai (1822). Năm Đạo Quang thứ năm (1825), vâng lệnh Bố Chánh Sứ tỉnh Giang Tô biên tập bộ sách Hoàng Triều Kinh Thế Văn Biên gồm 120 quyển, rất được tán thưởng. Năm Đạo Quang thứ sáu (1826) lên kinh thi Hội, nhưng không đậu. Khi Lưu Phùng Lộc đọc quyển thi bị loại ra, đã than thở quốc gia bỏ mất tài năng. Năm sau lại đi thi Hội nữa, vẫn không đậu, Ngụy Nguyên bèn bỏ tiền mua chức quan Trung Thư Xá Nhân. Ông từng theo Lâm Tắc Từ làm công tác phiên dịch khi cuộc chiến Nha Phiến nổ ra. Về sau, do thấy các đại thần trong triều khiếp nhược, chủ bại, hôn ám, ông bèn từ quan về nhà, chuyên soạn sách, dạy học, chủ trương “dùng người ngoại quốc để chế ngự ngoại quốc, lợi dụng kỹ thuật Tây Dương, đem quyền lợi nhử các nước Tây Phương đánh lẫn nhau”. Ông để lại rất nhiều trước tác; tuy vậy, những trước tác về Phật Giáo của ông không được đánh giá cao vì ông nghiên cứu kinh điển theo kiểu một học giả nghiên cứu văn bản thay vì là một Hành Giả Phật Giáo nên có rất nhiều ý kiến vũ đoán, cực đoan, chấp trước văn tự, tùy ý diễn dịch, phê phán theo thiên kiến và sự ức đoán của chính mình.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.