Nhà Lửa

● Tục đế và chân đế: tức là hai loại sự thật (nhị đế). Chữ “đế” nghĩa là sự thật, lí chân thật, tức chân lí. Nhưng có hai loại sự thật: loại sự thật theo cái thấy thế gian, gọi là “tục đế”, và loại sự thật theo cái thấy xuất thế gian, gọi là “chân đế”.

1.Tục đế: Chữ “tục”, theo nghĩa thông thường là thói quen của mọi người trong xã hội (phong tục), là tầm thường, không trang nhã (thô tục), nông cạn, hời hợt (tục tử), cõi trần (tục lụy). Trong Phật giáo cũng thường dùng chữ “tục” với những ý nghĩa thông thường này, nhưng đặc biệt ở đây, trong thuật ngữ “tục đế”, ý nghĩa của nó sâu xa hơn. Những gì thuộc trong phạm vi thế gian đều phải bị sinh diệt, nên gọi là “tục”; tất cả các pháp do nhân duyên sinh thành, đều là “tục” (tức là giả, không thật có); tất cả những pháp đối đãi nhau (như tốt-xấu, lớn-nhỏ, sinh-diệt, v.v…) đều phát sinh từ ý thức phân biệt, từ khái niệm (khuôn mẫu có sẵn trong tư tưởng), cho nên đều là “tục”; do vô minh mà bản tính chân thật của vạn pháp bị che lấp, nên gọi là “tục”; thế gian không biết, không thấy rõ thật tướng của vạn pháp, nên gọi là “tục”. Bởi vậy, “tục đế” có nghĩa là sự thật tương đối, sự thật do phân biệt, khái niệm mà có, sự thật theo sự thấy biết thông thường, nông cạn, hạn hẹp của thế gian. Do ý nghĩa đó, thuật ngữ “tục đế” trong Phật học cũng được gọi là “thế tục đế”, hay “thế đế”.

2.Chân đế: Chữ “chân”, theo nghĩa thông thường của thế gian, là đúng thật (chân ảnh), ngay thẳng (chân chính), mộc mạc thật thà (chân chất), không giả dối (chân thật), không trá ngụy, lừa đảo (chân tình). Trong Phật giáo cũng dùng chữ “chân” với những ý nghĩa thông thường đó, nhưng ở đây, trong thuật ngữ “chân đế”, nó có ý nghĩa sâu xa hơn. “Chân” nghĩa là không thuộc phạm vi của thế gian, là các pháp vô vi không sinh diệt, không bị nhân duyên chi phối, vượt ra ngoài thế giới khái niệm, không thể nghĩ ngợi, không thể nói năng, v.v…; tức là hoàn toàn trái ngược với chữ “tục” ở trên. Bởi vậy, “chân đế” là sự thật tuyệt đối, vượt khỏi khái niệm, phân biệt, sự thật theo cái thấy bằng tuệ giác siêu việt của bậc xuất thế gian. Do từ ý nghĩa đó, thuật ngữ “chân đế” trong Phật học cũng được gọi là “thắng nghĩa đế”, hay “đệ nhất nghĩa đế”.

Giáo lí về “hai sự thật” tương đối (tục đế) và tuyệt đối (chân đế) này, trong kinh điển nguyên thỉ (A Hàm) ít đề cập đến (chỉ trong kinh Trung A Hàm có một lần nhắc đến từ “chân đế”, nhưng không có từ “tục đế”; và trong kinh Tăng Nhất A Hàm có một lần nhắc tới từ “nhị đế” nhưng nội dung không rõ ràng), mà phần nhiều chỉ nói đến “bốn sự thật” (khổ, tập, diệt, đạo). Trong khi đó, ở các bộ luận tiểu thừa như Câu Xá, Thành Thật, Đại Tì Bà Sa, v.v… không những hai từ “chân đế” và “tục đế” được nêu lên, mà còn nói rõ ý nghĩa, cùng đưa những ví dụ cụ thể. Còn trong các kinh luận đại thừa, kiến giải về “hai sự thật” rất là phong phú và sâu sắc. Đặc biệt, tông Tam Luận đã khai triển giáo lí “hai sự thật” này thành một phương pháp tu tập quán chiếu gồm có bốn lớp, – gọi là “tứ trùng nhị đế” – nhằm đả phá lối nhận thức thực tại bằng khái niệm, bằng ý thức phân biệt, so sánh, đối đãi (tức tục đế); bởi vì, nhận thức theo cách này thì không thể nào thấy rõ được thật tướng của vạn pháp (tức chân đế). Theo phương pháp tu tập này của tông Tam Luận, sự thật tương đối bao giờ cũng phải bị phủ nhận, phá đổ, cho đến khi hành giả đạt đươc sự thật tuyệt đối, tức là sự chứng ngộ về bản chất chân thật của thực tại vạn hữu bằng CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO, tức là siêu việt khỏi khái niệm. Phương pháp ấy có bốn lớp như sau:

– Lớp thứ nhất: Tất cả mọi người trong thế gian đều cho rằng, mọi sự vật trước mắt đều “có thật” (hữu). (“Có thật” là sự thật tương đối, tức tục đế.) Nhưng hành giả tu tập thì thấy rằng, mọi sự vật tuy là có, nhưng đều do nhân duyên hòa hợp mà có, tự chúng không có bản tính chân thật, tức là “không” (không). (“Không” là sự thật tuyệt đối, tức chân đế.) Nhưng, nếu cái thấy “không” của hành giả lại trở thành một khái niệm “không” để đối lập với khái niệm “có”, thì:

– Lớp thứ nhì: Hai khái niệm “có” và “không” đã trở thành cái thấy nhị nguyên “có, không” (hữu không), và đó là sự thật tương đối. Cái thấy này phải bị phá đổ để tiến tới sự thật tuyệt đối, tức thấy rằng: Mọi sự vật là “không phải có, không phải không” (phi hữu phi không); có và không chỉ là hai mặt của cùng một thực tại. Nhưng nếu cái thấy “không phải có, không phải không” lại trở thành một khái niệm để đối lập với khái niệm “có, không”, thì:

– Lớp thứ ba: Cả “có, không” và “không phải có, không phải không” đều trở thành sự thật tương đối, phải bị phá đổ để tiến tới cái thấy: Mọi sự vật là “không phải không phải có, không phải không phải không”, là sự thật tuyệt đối. Lại nữa, nếu cái thấy “không phải không phải có, không phải không phải không” lại bị khái niệm hóa, thì:

– Lớp thứ tư: Cả “có, không”, “không phải có, không phải không” và “không phải không phải có, không phải không phải không” đều trở thành sự thật tương đối, phải bị phủ nhận để tiến tới cái thấy: Mọi sự vật “không phải không phải chẳng có, không phải không phải chẳng không”, là sự thật tuyệt đối…

Sự phủ nhận như trên sẽ dần dần đưa đến chỗ không thể dùng lời nói để diễn đạt, không thể dùng trí năng để suy nghĩ, tức là hoàn toàn siêu việt khỏi mọi khái niệm, mọi vọng tưởng phân biệt để thấy rõ được chân diện mục của thực tại. Phương pháp quán chiếu này có năng lực phá trừ mọi chấp trước và hiển thị con đường trung đạo, đạt được đạo quả giác ngộ ngay trong đời sống hiện tại.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.