Nhất Hạnh

● (638-727) là một nhà toán học và lịch pháp lừng danh của Trung Hoa, đồng thời là một vị tổ sư của Đông Mật Trung Hoa. Ngài tên thật là Trương Toại, pháp hiệu Kính Hiền, tôn hiệu là Đại Huệ thiền sư, người xứ Xương Lạc, Ngụy Châu (tỉnh Hà Nam hiện thời), còn được gọi là Nhất Hạnh A Xà Lê. Ngài xuất thân từ thế gia vọng tộc (ông cố chính là quan đại thần Trương Công Cẩn đời Đường Thái Tông, ông nội là Trương Đại Tố làm quan đến chức Môn Hạ Tỉnh Đông Đài Xá Nhân, cha là huyện lệnh huyện Vũ Công). Ngài tinh thông tiếng Phạn, Toán Học, lịch pháp, đặc biệt là Thiên Văn Học. Năm hai mươi mốt tuổi, khi cha mẹ đều khuất bóng, do nghe ngài Hoằng Cảnh thuộc tông Thiên Thai giảng pháp, bèn dấy lên ý niệm xuất gia, xin quy y, xuống tóc với ngài Phổ Tịch ở Tung Sơn. Do thâm nhập Nhất Hạnh Tam-muội, nên còn có hiệu là Nhất Hạnh. Về sau, Ngài chuyên học tập kinh điển nhà Phật cũng như nghiên cứu Thiên Văn, Toán Học tại Tung Sơn và chùa Ngọc Tuyền. Năm Khai Nguyên thứ 5 (711), Đường Huyền Tông xuống chiếu triệu hồi Ngài về Trường An phụ tá ngài Thiện Vô Úy Dịch Kinh Đại Nhật. Ngài còn học Mật Pháp với ngài Kim Cang Trí, được đại sư truyền quán đảnh. Ngài lại làm Bút Thọ trong việc dịch thuật các bộ kinh trọng yếu của Kim Cang Giới Mạn Đà La như Kim Cang Tụng Niệm Pháp, Thất Câu Chi Đà La Ni… Sau đó lại cầu pháp với Bất Không đại sư, học kinh Kim Cang Đảnh. Có thể nói Ngài là người đầu tiên được truyền thừa đồng thời hai hệ thống Mật Pháp trong lịch sử Trung Hoa. Năm 713, Đường Huyền Tông sai Ngài cải cách lịch pháp, biên soạn bộ Đại Diễn Lịch với sự trợ giúp của Trương Thuyết, Trần Huyền Cảnh v.v… Ngài thiết kế nhiều dụng cụ thiên văn như Hoàng Đạo Du Nghi, Hỗn Tượng, Phục Củ v.v… đo lường quỹ đạo các hằng tinh, sửa đổi hiệu chỉnh lịch pháp từ đời Hán cho khớp với vận hành của các tinh tú, phát hiện hiện tượng tuế sai (precession). Năm Khai Nguyên 12 (723), Ngài chủ trì công cuộc đo lường bóng mặt trời trên quy mô lớn, phía Bắc đến Thiết Lặc (vùng phụ cận kinh đô Ulan Bator của Mông Cổ hiện thời), phía Nam đến Giao Châu (miền Bắc Việt Nam), tính ra độ dài của kinh tuyến (nhằm có số lượng chánh xác về thiên văn để hiệu chỉnh lịch pháp). Riêng về Mật Tông, Ngài viết bộ Đại Nhật Kinh Sớ (ghi chép những lời giảng giải của đại sư Thiện Vô Úy) được coi là tác phẩm chú giải quan trọng nhất để hiểu giáo nghĩa Mật Tông, đặc biệt là Thai Tạng Giới Mạn Đà La.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.