Nhiếp Vân Đài

● (1880-1953), tên thật là Nhiếp Kỳ Kiệt, hiệu là Vân Đài, pháp danh Huệ Kiệt, biệt hiệu Tức Sám, người Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, là cháu ngoại của Tăng Quốc Phiên. Cha ông là Nhiếp Tập Quy từng làm Tuần Phủ tỉnh Giang Tô. Mẹ ông là Tăng Kỷ Phân, con út của Tăng Quốc Phiên. Thuở nhỏ ông theo cha sang sống tại Thượng Hải. Năm Quang Tự 19 (1893), trở về Hồ Nam Tham gia khoa Đồng Thí (khoa thi dành cho thiếu niên), đậu Tú Tài. Ông học Anh ngữ, điện khí, công nghệ với người ngoại quốc, từng sang Mỹ du học. Trở về nước, ông tận lực chủ trương “giáo dục cứu quốc, tăng tấn kinh tế để cứu quốc” nên tận lực tiến hành xây dựng các xí nghiệp, thành lập các công ty dệt như Phục Thái, Hằng Phong v.v… nhiệt thành hướng dẫn chuyên viên về ngành dệt. Ông mạnh dạn nhập máy móc, cải tiến ngành dệt, và được coi như một trong những người khai sáng ngành dệt công nghiệp ở Trung Hoa. Ông cũng mở nhiều xưởng liên quan đến nhiều ngành khác và từng đảm nhiệm chức vụ Hội Trưởng của Thương Hội Thượng Hải. Tuy xuất thân từ một gia đình Phật giáo thuần thành, trong thời gian du học ở Mỹ, ông từng theo đạo Baptist và vợ ông là Tiêu Thị cũng là tín đồ Baptist. Đến năm Dân Quốc 13 (1924), kinh tế Trung Hoa suy vi, các xưởng do ông làm chủ hay làm Kinh Lý đều thua lỗ. Tới năm Dân Quốc 15 (1926), ông bị ép buộc phải rút lui, đã thế lại bị bệnh nặng mấy bận tưởng chết, bèn cảm ngộ thế sự vô thường, hướng lòng về Phật pháp, quy y với pháp sư Như Huyễn, lắng lòng học Phật, đóng cửa không qua lại với ai. Về sau, ông gặp được tổ Ấn Quang, hết sức kính mộ, xin được thọ Ngũ Giới, mấy lượt toan xuất gia nhưng bị mẹ già ngăn cản. Hằng ngày ông tận lực lễ bái Quán Thế Âm và Địa Tạng Bồ Tát, trì tụng kinh Kim Cang, Phổ Môn, và Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh. Ông gom góp tài sản còn lại để tận lực cứu trợ những nạn dân ở Hồ Nam, viết bài luận nổi tiếng là Bảo Phú Pháp (cách giữ giàu) chủ trương muốn được giàu có thì phải biết chia sớt tài sản cho người khác. Ông đề xướng Gia Đình Phật Học Hội, nhằm giảng diễn Phật học và Phật hóa sinh hoạt gia đình trong vòng thân tộc. Ngoài bộ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ (tên ban đầu là Lịch Đại Cảm Ứng Thống Kỷ) viết chung với Hứa Chỉ Tịnh, ông còn để lại dịch phẩm Vô Tuyến Điện Học, Thác Nhĩ Tư Thái Truyện (tiểu sử Leon Tolstoy) và những tiểu phẩm có giá trị về Phật học như Cần Kiệm Cứu Quốc Thuyết, Địa Tạng Bồ Tát Linh Cảm Cận Văn Lục, Quán Âm Kinh Chú Cảm Ứng Hội Thiên v.v…

This entry was posted in . Bookmark the permalink.